1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cuối năm: Kiếm hàng trăm triệu nhờ nuôi gà... dưới đệm lót sinh học

(Dân trí) - Rời ghế nhà trường phổ thông, chàng thanh niên người dân tộc Mường - Lê Văn Hán, ở xã Quang Hiến, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) chọn cho mình con đường vào công ty chăn nuôi làm việc. Sau nhiều năm lăn lộn với thương trường, anh đã quyết định quay về quê lập nghiệp bằng mô hình chăn nuôi gà dưới đệm lót sinh học.

Anh Lê Văn Hán (sinh năm 1986), là một đoàn viên thanh niên người dân tộc Mường, ở thôn Giáng, xã Quang Hiến, huyện miền núi Lang Chánh. Với bà con địa phương, tinh thần mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà dưới đệm lót sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao của anh Hán không còn xa lạ.

Anh Lê Văn Hán chăm sóc đàn gà của mình
Anh Lê Văn Hán chăm sóc đàn gà của mình

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Lê Văn Hán xin vào làm việc cho một công ty liên doanh chuyên chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên. Trong thời gian làm việc công ty, anh Hán được cử đi học về kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà.

Năm 2015, sau nhiều năm gắn bó với công ty chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Hán đã đi đến quyết định xin nghỉ việc để trở về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Bằng kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian làm việc trước đây và sự chịu khó tìm tòi thêm kiến thức qua sách báo, ti vi, internet, anh nhận thấy mô hình chăn nuôi gà dưới đệm lót sinh học là một mô hình mới với số vốn đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với quyết tâm và tận dụng 0,5 ha đất vườn của gia đình, anh Hán đã vay mượn, đầu tư số vốn 120 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà dưới đệm lót sinh học. Sau khi đã xây dựng xong chuồng trại, để lựa chọn được giống gà tốt, anh Hán lặn lội vào tận tỉnh Khánh Hòa mua 500 con gà giống Phùng Dầu Sơn. Đây là giống gà bản địa của tỉnh Khánh Hòa, dễ nuôi, thịt ngon, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Nhờ có kiến thức và kinh nghiệm trong chăn nuôi nên đàn gà ít bệnh, lớn nhanh và có đầu ra tốt. Chưa bằng lòng với những gì đã có, khi việc chăn nuôi thuận lợi, anh đã mở rộng chuồng trại theo hướng chăn nuôi gà chuyên nghiệp hơn.

Từ quy mô chỉ 500 con giống ban đầu, đến nay, anh mô hình chăn nuôi của anh Hán đã mở rộng lên hơn 3.000 con. “Khi áp dụng phương pháp chăn nuôi gà này, người nuôi có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp, như: Trấu, mùn cưa, thân cây ngô... nên giá thành thấp, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường, vì vậy, gà sinh trưởng nhanh, khỏe, ít dịch bệnh”, anh Hán chia sẻ.

Mô hình nuôi gà dưới đệm lót sinh học của anh Hán đem lại thu nhập cao cho gia đình
Mô hình nuôi gà dưới đệm lót sinh học của anh Hán đem lại thu nhập cao cho gia đình

Bằng phương pháp này, trung bình, mỗi năm, gia đình anh Hán nuôi được 4 lứa gà với tổng số lượng hơn 8.000 con. Khi quy mô chăn nuôi ngày một mở rộng, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề luôn được anh Hán quan tâm, tìm hiểu. Để có đầu ra ổn định, anh đã tiến hành ký hợp đồng với những đầu mối tiêu thụ ở các huyện khác trong tỉnh và các chợ đầu mối để cung cấp gà.

Năm 2017 vừa qua, trang trại của gia đình anh đã xuất bán 15 tấn gà thịt với giá bình bình quân khoảng 70.000 đồng/kg. Chưa dừng lại ở đó, anh Hán còn tiến hành thu mua gà của bà con địa phương để nhập cho các công ty, chợ đầu mối.

Với mô hình chăn nuôi kiểu mới này, mỗi dịp cuối năm, gia đình anh Hán cũng thu được hơn 100 triệu đồng từ việc bán gà sau khi đã trừ các chi phí. Ngoài ra, còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng.

Anh Lê Văn Hán không chỉ tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi mà còn là một đoàn viên năng động, nhiệt tình với công tác Đoàn tại địa phương. Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn sẵn sàng chia sẻ cũng như vận động, hướng dẫn đoàn viên thanh niên, người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và tìm hướng làm giàu.

Duy Tuyên