1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Có nên tách lộ trình tăng tuổi hưu của công chức, viên chức và lao động sản xuất?

(Dân trí) - Hai phương án điều chỉnh tuổi hưu đang được Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nghiên cứu và cân nhắc. Điểm mới so với phương án trước đây là việc đề xuất tách lộ trình tăng tuổi hưu của nhóm công chức, viên chức với nhóm tham gia sản xuất kinh doanh trực tiếp.

Có nên tách lộ trình tăng tuổi hưu của công chức, viên chức và lao động sản xuất? - 1

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, dù khó nhận được sự đồng thuận cao của người dân ở tất cả các quốc gia, nhưng ở Việt Nam việc điều chỉnh tuổi hưu là cần thiết nhằm “đi trước đón đầu” quá trình già hoá dân số.. 

Từ Kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua, Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức thêm nhiều chương trình họp nhằm tiếp thu và lắng nghe ý kiến góp ý từ nhiều kênh khác nhau về nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012. 

Một trong nhiều ý kiến được dư luận đề cập nhiều nhất là việc quy định tuổi hưu của người lao động tại khu vực lao động sản xuất ra sao cho phù hợp với thực tế.

Bởi đặc thù công việc của khu vực sản xuất trực tiếp có khác với khu vực hành chính văn phòng.

Ông Bùi Sỹ Lợi nhận định về phương án điều chỉnh tuổi hưu

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, về vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH ban hành Danh mục các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và lao động làm việc ở vùng sâu vùng xa….

Đây là căn cứ để áp dụng việc người lao động sẽ được giảm thời gian làm việc để nghỉ hưu sớm 5 năm và một số trường hợp khác có thể sớm hơn 10 năm.

Đồng thời, những trường hợp có năng lực, chuyên môn kỹ thuật và được sự thoả thuận với chủ sử dụng lao động thì có thể kéo dài tuổi hưu thêm 5 năm.

“Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu chúng ta điều chỉnh tăng tuổi hưu cho người lao động trong khu vực công thì tại sao không đưa vào Luật Viên chức và Luật Cán bộ, công chức? Đồng thời, chúng ta sẽ đưa ra lộ trình tăng chậm hơn và thời điểm nâng sẽ dài hơn” - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Được biết, Dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012 đã trải qua 3 lần chỉnh sửa và góp ý. Dự kiến trong Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi.

Đây cũng là vấn đề mới và cần có thêm sự nghiên cứu và đánh giá tác động.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý, Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đang nghiên cứu 2 phương án nhằm xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Từ đó nhằm qua đó chọn ra 1 phương án hài hoà và hợp lý nhất.

“Phương án 1 theo như đề xuất do Chính phủ trình trình: Tuổi hưu tăng từ năm 2021, nam tăng 3 tháng/năm và nữ tăng 4 tháng/năm tới khi tuổi hưu của nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi” - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Phương án 2, Quốc hội sẽ chỉ quy định về nguyên tắc việc nghỉ hưu, Chính phủ sẽ cụ thể hoá bằng cách đặt ra các lộ trình cho các nhóm lao động khác nhau, như: Công chức và viên chức, người lao động làm việc ở doanh nghiệp, lao động làm việc ở khu vực nặng nhọc hoặc hành chính văn phòng…

Đồng thời, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Trên cơ sở đó, lộ trình tăng tuổi hưu sẽ khác nhau. Khu vực công chức viên chức có thể là tăng từ năm 2021 với nam tăng 3 tháng/năm và nữ tăng 4 tháng/năm. Khu vực sản xuất kinh doanh thì có thể chậm hơn 1 chút, có thể là 1 hoặc 2 tháng/năm.

“Khi người lao động có sức khoẻ và điều kiện làm việc tăng lên, việc tăng tuổi hưu sẽ làm hài hoà lợi ích các bên” - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Hoàng Mạnh