Có gì khác nhau giữa tạm hoãn hợp đồng và nghỉ không lương?

Ông Đồng Minh Phương hỏi quy định về người lao động nghỉ không hưởng lương và tạm hoãn hợp đồng lao động giống và khác nhau gì?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động: Điều 32, Điều 33 Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020), quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và việc nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, như sau:

Tạm hoãn hợp đồng lao động được áp dụng với trường hợp: Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự; Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này; Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Nghỉ không hưởng lương: Theo Khoản 2 và Khoản  3 Điều 116 Bộ luật Lao động 2012, người lao động được nghỉ không hưởng lương 1 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. Ngoài trường hợp trên, người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Từ các quy định nêu trên nhận thấy, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và nghỉ không hưởng lương là hai trường hợp có lý do và điều kiện khác nhau. Điểm giống nhau của hai trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không hưởng lương là người sử dụng lao động không phải trả lương. Cụ thể:

Trường hợp người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động phải có lý do, điều kiện tạm hoãn. Thời gian tạm hoãn không tính vào thời gian thực hiện hợp đồng lao động, không hưởng lương.

Trường hợp người lao động nghỉ không hưởng lương thì thời gian nghỉ không hưởng lương vẫn tính vào thời gian thực hiện hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ không hưởng lương hết trước hoặc trùng với thời điểm hết thời hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn thì hai bên chấm dứt hợp đồng hoặc thỏa thuận giao kết hợp đồng mới.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.