Cách tính trợ cấp thôi việc cho viên chức

Đơn vị ông Trần Huy có viên chức đóng BHXH liên tục từ tháng 9/1984 đến ngày 1/9/2019, được giải quyết cho thôi việc theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo bảng xác nhận quá trình đóng BHXH của cơ quan BHXH thì viên chức này có thời gian đóng BHXH liên tục đến ngày 31/8/2019 là 35 năm, thời gian đóng BHTN là 8 năm 8 tháng (đóng BHTN từ tháng 1/2011). So với thời điểm ngày 1/1/2009 đến khi đóng BHTN (tháng 1/2011) thì còn thiếu 2 năm do không đóng BHTN.

Theo đó, Phòng Tổ chức cán bộ tính số năm để trả trợ cấp thôi việc cho viên chức là 24 năm 4 tháng (tính từ tháng 9/1984 đến hết ngày 31/12/2008), không tính trả trợ cấp cho 2 năm 2009 - 2010 không đóng BHTN cho viên chức (nhưng có đóng BHXH).

Ông Huy hỏi, đơn vị tính như vậy có đúng không?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định về trợ cấp thôi việc đối với viên chức như sau:

Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31/12/2008 trở về trước được tính như sau:

Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 (một) tháng lương hiện hưởng;

Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.

Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.

Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 1/1/2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp ông Trần Huy phản ánh, viên chức có thời gian làm việc và đóng BHXH liên tục từ tháng 9/1984 đến ngày 1/9/2019 được đơn vị giải quyết cho thôi việc theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP. Theo bảng xác nhận quá trình đóng BHXH của cơ quan BHXH thì viên chức này có thời gian đóng BHXH liên tục đến 31/8/2019 là 35 năm.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/2/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN (hiệu lực ngày 1/1/2009. Hết hiệu lực ngày 1/5/2015) thì, kể từ ngày 1/1/2009, đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức là đối tượng tham gia, đóng BHTN bắt buộc, nhưng đến tháng 1/2011 mới đóng BHTN.

Theo luật sư, trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, cần được áp dụng quy định tại Khoản 2, Điều 48 Bộ luật Lao động để tính trợ cấp thôi việc, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng, trừ đi thời gian viên chức đã tham gia BHTN.

Do từ ngày 1/1/2009 đến hết ngày 31/12/2010 đơn vị và viên chức không tham gia BHTN, nên đơn vị phải có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho viên chức thời gian 2 năm 2009 - 2010.

Thời điểm bắt đầu tham gia BHTN của đơn vị và viên chức là ngày 1/1/2011, nhưng đơn vị áp dụng quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP để tính thời gian làm việc trả trợ cấp thôi việc cho viên chức từ tháng 9/1984 đến hết 31/12/2008 là khiên cưỡng, chưa bảo đảm quyền lợi cho viên chức khi thôi việc.

Trường hợp viên chức thời gian làm việc tính trợ cấp thôi việc là khoảng thời gian từ tháng 9/1984 cho đến hết ngày 31/12/2010 mới phù hợp.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.