1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Các trường cao đẳng, trung cấp chật vật tuyển sinh

Đến thời điểm hiện tại, trong khi phần lớn các trường đại học (ĐH) tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu năm học mới thì nhiều trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) vẫn “đứng ngồi không yên” do thiếu chỉ tiêu trầm trọng. Những thay đổi trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 khiến không ít trường phải chật vật với công tác tuyển sinh…

Thí sinh nộp hồ sơ tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Ảnh: Tấn Thạnh
Thí sinh nộp hồ sơ tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Ảnh: Tấn Thạnh

Tưởng rằng trong năm đầu tiên triển khai kỳ thi THPT quốc gia, tình hình tuyển sinh của các trường TC như Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn sẽ ổn định hơn. Thế nhưng, đến khi kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung cuối cùng, cơ sở giáo dục này chỉ thu hút được 24 sinh viên (SV) nhập học trên tổng số 500 chỉ tiêu.

Ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn cho biết, chưa năm nào công tác tuyển sinh của trường trắc trở như năm nay. Đợi từ đầu đến cuối mùa tuyển sinh chỉ có lác đác vài chục hồ sơ. “Đến giờ phút này mà chưa tuyển được thì coi như hết cơ hội rồi. Chúng tôi quyết định cho các em nhập học chứ không đợi nữa. Với tình hình tuyển sinh hiện tại, mỗi năm trường sẽ phải bù lỗ khoảng một tỷ đồng để duy trì hoạt động. Khó khăn chồng chất khó khăn”, ông Đỗ Hữu Khoa lo lắng.

Cùng thời điểm này hồi năm 2014, Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất chỉ tiêu xét tuyển, nhưng năm nay mọi thứ vẫn còn dở dang. Kết thúc bốn đợt xét tuyển, bậc CĐ của trường chỉ tuyển được 800 SV trên tổng số gần 1.200 chỉ tiêu. Bậc TC còn chật vật hơn khi chỉ có 50 SV đăng ký trên tổng số 200 chỉ tiêu.

Tại cơ sở chính của trường ở quận Tân Bình, do chỉ có từ 5 đến 6 hồ sơ (không đủ điều kiện mở lớp), phòng ghi danh phải hoàn trả học phí cho thí sinh. Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP Hồ Chí Minh trăn trở: “Có thể nói chưa bao giờ công tác tuyển sinh của trường chúng tôi lại khó khăn như năm nay. Thiếu chỉ tiêu đồng nghĩa với việc doanh thu sẽ giảm, ảnh hưởng đến công tác đầu tư nâng cấp chất lượng đào tạo. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho phép các trường CĐ tiếp tục xét tuyển đến ngày 20-11, nhưng chúng tôi biết có đợi nữa cũng chẳng có thí sinh nào tìm đến nên quyết định kết thúc ở đây để tập trung thật tốt cho công tác giáo dục”.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều cơ sở giáo dục tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh do chịu tác động từ những đổi mới của kỳ thi “hai chung”.

Vậy, đâu là nguyên nhân chính khiến các trường CĐ, TC chật vật trong tuyển sinh? Theo thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, chính việc Bộ GD và ĐT quy định nhiều hình thức xét tuyển và trao cho SV quá nhiều cơ hội đã đẩy các trường vào thế khó trong công tác tuyển sinh do số lượng hồ sơ ảo tăng đột biến.

“Trong năm đầu tiên áp dụng, hình thức xét tuyển bằng học bạ thu hút rất nhiều thí sinh đăng ký. Nhưng đăng ký nhiều mà nhập học chẳng bao nhiêu. Tại trường chúng tôi, năm nay chỉ 10% SV đăng ký xét tuyển bằng học bạ nhập học, 90% còn lại không thấy phản hồi gì. Việc này khiến trường bị động trong việc sắp xếp đào tạo vì không ước lượng được số SV nhập học, đặc biệt là với bậc CĐ. Đến nay, chúng tôi chỉ mới tuyển được 40 SV bậc CĐ, trong khi chỉ tiêu đề ra là 600 em”, thạc sĩ Trịnh Hữu Chung cho biết.

Đại diện nhiều trường cho rằng, mức chênh lệch về điểm số giữa học bạ bậc ĐH và CĐ quá thấp (6 điểm so với 5,5 điểm) là một trong những nguyên nhân khiến các trường CĐ, TC khó thu hút thí sinh vì hiện nay, tâm lý thí sinh và phụ huynh vẫn muốn vào ĐH hơn. Bên cạnh đó, việc Bộ GD và ĐT đồng ý điều chỉnh tăng chỉ tiêu bậc ĐH cũng khép lại cánh cửa cơ hội cho nhiều trường CĐ, TC.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Mong rằng, từ năm sau, Bộ GD và ĐT sẽ điều chỉnh chỉ tiêu ĐH bằng với mức nhu cầu của xã hội (từ 10-12% tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT) thay vì xác định theo nhu cầu của các trường. Vì nếu vào ĐH dễ quá, đâu có thí sinh nào chịu học CĐ, TC.

Như nhiều cơ sở giáo dục khác, Trường CĐ Bách Việt cũng chịu sự tác động không mong muốn từ những thay đổi trong phương cách tuyển sinh của kỳ thi “hai chung”. Đến nay, trường thu hút được gần 1.000 SV nhập học trên tổng số 2.400 chỉ tiêu xét tuyển. Số SV bậc TC đạt 500/800 chỉ tiêu.

Ông Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường CĐ Bách Việt cho rằng, ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng đầu vào của bậc ĐH năm nay khá thấp, cộng thêm thí sinh có quá nhiều cơ hội lựa chọn nên đa phần các em nộp hồ sơ vào các trường ĐH. Vì thế, chuyện nhiều trường CĐ, TC “khát” hồ sơ là khó tránh khỏi.

Ông Trần Mạnh Thành đề xuất hai giải pháp: Thứ nhất, trong kỳ tuyển sinh năm 2016, Bộ GD và ĐT nên gia tăng khoảng cách ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào giữa bậc ĐH và CĐ. Như vậy vừa giúp phân loại tốt thí sinh, vừa không làm khó các trường CĐ, TC trong công tác xét tuyển.

Thứ hai, Bộ nên cân nhắc giảm bớt số nguyện vọng đăng ký, rút ngắn thời gian các đợt xét tuyển để các em tập trung lựa chọn đúng ngành nghề và các trường cũng không bị số lượng hồ sơ ảo đánh lừa.

Hy vọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Bộ GD và ĐT sẽ có những điều chỉnh thích hợp để các trường chủ động hơn trong công tác tuyển sinh nhằm bảo đảm tốt nhất chất lượng đào tạo.

Theo Báo Nhân dân