1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động:

“Bộ Lao động chưa thấy phi công muốn sửa thời gian báo trước khi nghỉ việc”

(Dân trí) - Liên quan tới thông tin Bộ LĐ-TB&XH “tuýt còi” về quy định nghỉ việc của nhân viên hàng không trình độ cao (trong đó có phi công) của Bộ Giao thông Vận tải, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) về vấn đề này.


Tranh luận về thời gian báo trước khi nghỉ việc của phi công

Tranh luận về thời gian báo trước khi nghỉ việc của phi công

Trước đó, cuối tháng 10, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn trả lời Bộ Tư pháp về việc đánh giá tính hợp pháp của Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH lo ngại việc quy định của Thông tư 21/2017/TT-BGTVT không phù hợp với Điều 36, 37 của Luật Lao động năm 2012 và Hiến pháp năm 2013.

Lý giải của Bộ LĐ-TB&XH, quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động năm 2012, thời hạn người lao động phải báo trước khi thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động và căn cứ chấm dứt, bao gồm các loại thời hạn: Ít nhất 3 ngày làm việc; ít nhất 30 ngày; ít nhất 45 ngày; hoặc được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động.

“Do đó, việc quy định nhân viên hàng không trình độ cao phải báo trước ít nhất 120 ngày như Thông tư 21/2017/TT-BGTVT (quy định dài hơn số ngày phải báo trước theo Bộ luật Lao động năm 2012) là không phù hợp với quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động” - theo công văn trả lời của Bộ LĐ-TB&XH.

Với câu hỏi về "Khoản 2 Điều 3 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, quy định trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với Luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật hàng không dân dụng. Do đó, việc người sử dụng lao động có thể yêu cầu phi công muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày và bồi hoàn chi phí đào tạo là không trái với Luật Lao động". Ông Hà Đình Bốn từ chối trả lời và đưa ra giải thích đó là lĩnh vực bên ngoài Luật lao động.

Giải thích với PV Dân trí về quan điểm trên, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: “Điều 37 Luật Lao động năm 2012 quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày...Điều này cũng có nghĩa là người lao động có thể dùng quyền của mình để báo nghỉ trước tối thiểu 45 ngày, hoặc có thể báo trước việc nghỉ tới … 6 tháng hoặc 1 năm, nếu họ muốn”.

Bên cạnh đó, ông Hà Đình Bốn cho rằng, pháp luật lao động không quy định tối đa thời gian báo trước khi nghỉ việc đơn phương. “Điều này cũng có nghĩa là các cơ quan khác cũng không được có quy định khác liên quan tới vấn đề này” - ông Hà Đình Bốn nói.

Ông Hà Đình Bốn cho biết, với quy định người lao động báo trước 45 ngày khi nghỉ việc đơn phương, điều này có nghĩa là người lao động có quyền nghỉ việc từ ngày thứ 46.

Trong trường hợp người sử dụng lao động tự đề ra quy định khống chế thời hạn phải báo trước khác với quy định của Luật Lao động, ví dụ như báo trước 120 ngày.v.v…Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng: “Điều này có thể khiến từ ngày thứ 46 trở đi, người lao động sẽ bị tước quyền và bắt buộc phải lao động. Thậm chí còn có thể liên quan tới yếu tố lao động cưỡng bức”.

Đồng thời, nếu áp dụng quy định “sàn” thời gian báo trước khi nghỉ việc đơn phương là 120 ngày, thì có nghĩa là: Từ ngày thứ 46 tới ngày thứ 120, người lao động bị áp đặt phải làm việc.

Ông Hà Đình Bốn giải thích thêm: “Công dân có thể thực hiện những điều pháp luật không cấm. Còn cơ quan nhà nước chỉ được thực hiện những quy định của nhà nước giao và không thể tuỳ tiện đưa thêm quy định”.

Liên quan với trường hợp phi công xin nghỉ việc, ông Hà Đình Bốn cho rằng: “Người có lao động có quyền báo trước 45 ngày hoặc 120 ngày, đó là quyền của họ. Còn cơ quan nhà nước chỉ có thể áp dụng theo quy định 45 ngày báo trước chứ không thể áp dụng 120 ngày”.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, theo Hiến pháp năm 2013, việc hạn chế quyền của con người phải được quy định trong luật. Nhưng Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT đã có quy định hạn chế quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

Có nên sửa quy định thời gian báo trước khi nghỉ việc?

Qua câu chuyện tranh luận về thời gian báo nghỉ việc của phi công, trong lộ trình xây dựng dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012 đang được Bộ LĐ-TB&XH thực hiện, liệu có nên nghiên cứu và điều chỉnh thời gian báo nghỉ việc cho các nhóm nghề tính đặc thù, nhằm đáp ứng tình hình thực tế?

Theo ông Hà Đình Bốn, nguyên tắc xây dựng luật cần đảm bảo việc đánh giá tác động tới nhóm đối tượng cần điều chỉnh trước khi ban hành quy định.

“Đối với nghề phi công hay các nghề đặc thù khác như làm việc dưới hầm lò, trên giàn khoan…Nếu cần điều chỉnh quy định nghỉ việc báo trước thì cần phải tham khảo quan điểm của nhóm lao động trên. Đặc biệt việc điều chỉnh phải có tác động tới số đông trong xã hội” - ông Hà Đình Bốn cho biết.

Vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế bổ sung: “Quốc hội không đưa nội dung thời gian báo trước nghỉ việc vào việc điều chỉnh. Tới nay, chúng tôi cũng chưa nhận được yêu cầu của cơ quan Bộ, ngành nào về điều chỉnh thời gian nghỉ việc báo trước. Đặc biệt, Bộ cũng chưa ghi nhận được một ý kiến nào của phi công về đề nghị điều chỉnh thời gian nghỉ việc báo trước”.

Hoàng Mạnh