“Bỏ khoảng cách "cứng" 5% giữa các bậc lương, người lao động chịu thiệt thòi”

(Dân trí) - “Dù có nhiều cải thiện, nhưng vai trò của công đoàn cơ sở còn đứng thứ yếu trong thương lượng tiền lương với chủ sử dụng lao động. Do đó, nếu sửa NĐ 49/2013/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định “cứng” 5% khoảng cách bậc lương, người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Ông Lê Đình Quảng nhận định về đề xuất sửa đổi NĐ 49/2013/NĐ-CP.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) trao đổi với PV Dân trí trước thông tin liên quan tới đề xuất sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP về nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương theo quy định của Luật Lao động năm 2012.

Thương lượng cấp cơ sở còn yếu

Giải thích thêm, ông Lê Đình Quảng, cho biết: “Nghị định 49/2013/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng để người lao động cùng nhau thoả thuận và thực hiện chính sách tiền lương. Về cơ bản, quy định này vẫn đảm bảo quyền lợi của người lao động trong điều kiện hiện nay”.

Tuy nhiên khi ông Lê Đình Quảng bày tỏ sự lo ngại với 2 đề xuất liên quan tới việc sửa đổi NĐ 49/2013/NĐ-CP, đó là: Bỏ quy định “cứng” về khoảng cách 5 % giữa các bậc lương thay vào đó để 2 bên cùng thương lượng; giảm khoảng cách “cứng” từ 5 % xuống còn 3%.

“Trên thực tế, việc thương lượng tiền lương giữa tổ chức công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động còn nhiều vấn đề. Vai trò công đoàn cơ sở vẫn ở thứ yếu. Do đó việc thương lượng còn rất khó khăn, bất lợi và khó có khả năng thực chất” - Vị Phó ban Quan hệ lao động nói.

Lý do giải điều này, ông Lê Đình Quảng cho rằng đây là thực tế tất yếu diễn ra ở giai đoạn đầu trong nên cơ chế kinh tế thị trường. “Nếu chúng ta bỏ quy định “cứng” về 5 % khoảng các bậc lương, trong nhiều trường hợp người sử dụng lao động sẽ “ép” người lao động”.

Ông Lê Đình Quảng cho biết thêm: “Đơn cử như tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ sử dụng lao động chỉ áp dụng theo quy định của pháp luật lao động, trong đó có nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương. Luật quy định ra sao, họ sẽ làm vậy. Do đó nếu bỏ quy định thang, bảng lương, nhiều khả năng người lao động sẽ chịu bất lợi”

Theo ông Lê Đình Quảng, khi bị ép về tiền lương, nguy cơ dẫn tới ngừng việc là khó tránh khỏi. “Trong mấy tháng qua, thực tế đã diễn ra một số cuộc đình công liên quan tới đề nghị sửa đổi thang, bảng lương tại một số doanh nghiệp khu vực phía nam”.

Cẩn trọng khi coi nhẹ “thâm niên”

Theo ông Lê Đình Quảng, số doanh nghiệp có vướng mắc với quy định của Nghị định 49/2013/NĐ-CP là không nhiều: “Chủ yếu là các doanh nghiệp quy định chế độ nâng bậc lương hàng năm đối với những lao động có thâm niên làm việc”.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp đưa lý do rằng, trong sản xuất, người lao động cùng làm một công việc và hiệu suất như nhau nhưng người làm lâu năm có mức lương cao hơn.

Nhận định của một số doanh nghiệp cho rằng, năng suất của người lao động lớn tuổi đôi khi không hơn được người trẻ bao nhiêu, nhiều trường hợp còn thấp hơn do tuổi cao, sức yếu.

Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng cho rằng, nếu yếu tố thâm niên bị coi nhẹ hoặc bỏ đi khi xem xét xây dựng thang, bảng lương là điều rất nguy hại.

Ông Lê Đình Quảng lo ngại: “Nếu bỏ ra ngoài yếu tố thâm niên khi xây dựng thang bảng lương là chưa thỏa đáng. Bởi thâm niên thể hiện sự ghi nhận, động viên của chủ sử dụng với người lao động đã gắn bó lâu năm với mình”.

Vị Phó Ban Quan hệ lao động kiến nghị: “Trong điều kiện đề xuất sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH nên đưa việc sửa đổi hoặc bỏ cách tính thang, bảng lương trong Nghị định 49/2013/NĐ-CP vào kế hoạch chung của quá trình soạn thảo dự thảo sửa đổi Bộ Luật, từ đó để có sự điều chỉnh phù hợp hơn”.

Hoàng Mạnh