Bác nông dân Tây Nguyên chế tạo máy rửa chén công nghiệp

Không đượchọc về cơ khí nhưng bằng đam mê, tự mày mò học hỏi, ông Đỗ Thành Trung (Đắk Lắk) đã chế tạo thành công máy rửa chén công nghiệp.

Từ Hưng Yên vào Đắk Lắk lập nghiệp năm 1992 với hai bàn tay trắng, ông Trung phải làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Một thời gian sau, tích lũy được ít vốn, ông thuê và mua lại được đất rừng để khai hoang trồng cà phê nên cuộc sống dần dần ổn định.

Từ đây, ông bắt đầu có thời gian dành cho đam mê sáng chế các loại máy móc. Ông Trung kể ban đầu ông chế tạo máy vặt lông gà, tiếp đó là máy xay bột nghệ, rồi đến máy rửa chén công nghiệp dùng để rửa chén tại các đám cưới.

Bác nông dân Tây Nguyên chế tạo máy rửa chén công nghiệp - 1

Ông Trung bên chiếc máy rửa chén có thể rửa được 400 chén một giờ. Ảnh: Huy Trường

“Ý tưởng về chiếc máy rửa chén tôi đã có trong đầu từ lâu, nhưng vì thiếu vốn nên chưa làm được. Lần đầu tôi phải mua sắt vụn về làm các chi tiết cũng mất 12 triệu đồng nhưng không thành. Ba lần sau cũng thất bại nhưng tôi vẫn không nản mà để dành tiền ra Bắc học hỏi mô hình. Coi vậy chứ nghĩ ra thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy không dễ chút nào” - ông Trung chia sẻ.

Bác nông dân Tây Nguyên chế tạo máy rửa chén công nghiệp - 2

Hệ thống nước nóng để rửa chén được ông Trung dùng bình nóng lạnh khá an toàn. Ảnh: Huy Trường 

Chiếc máy rửa chén của ông Trung đang trong thời gian hoạt động thử nghiệm. Tuy máy còn hơi cồng kềnh nhưng theo như ông nói thì rửa chén khá nhanh và sạch với khoảng 400 chén một giờ.

"Máy có 10 vòi nước từ dưới bắn lên, bốn vòi từ trên bắn nước xuống, bộ dàn bên trong xoay tròn nên chén bát được rửa rất sạch. Người dùng chỉ cần xếp chén vào máy, bật nguồn, chọn chế độ phù hợp là được. Nước nóng rửa chén được ông sử dụng từ bình nóng lạnh khá an toàn" - ông Trung giới thiệu về chiếc máy của mình.

Bác nông dân Tây Nguyên chế tạo máy rửa chén công nghiệp - 3

Theo như ông Trung đánh giá, chiếc máy rửa chén nhanh và khá sạch. Ảnh: Huy Trường 

Ngoài máy rửa chén công nghiệp, ông Trung còn chế tạo ròng rọc thoát hiểm dùng trong các tòa nhà cao tầng khi chẳng may có sự cố cháy nổ.

“Tôi thường xem trên tivi và thấy xảy ra nhiều vụ cháy nhà cao tầng, từ đó tôi có ý tưởng làm một ròng rọc thoát hiểm. Với ròng rọc này, nếu có xảy ra sự cố thì hai người có thể đeo dây bảo hiểm để nắm sợi dây cáp rồi thoát khỏi đó một cách an toàn” - ông Trung khoe.

Bác nông dân Tây Nguyên chế tạo máy rửa chén công nghiệp - 4

Chiếc ròng rọc thoát hiểm cho nhà cao tầng của ông Trung. Ảnh: Huy Trường 

Điều đặc biệt là ông Trung không được học về cơ khí nhưng với lòng đam mê nên ông luôn tự mày mò để sáng tạo ra được những chiếc máy mà theo như ông nói là “không đụng hàng”. “Tới đây tôi sẽ đăng ký bản quyền các sản phẩm của mình trước khi sản xuất nhiều để bán ra thị trường” - ông chia sẻ thêm.

Theo Huy Trường/PLO.VN