1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xuất nhập khẩu 2018: Xác lập kỷ lục mới

(Dân trí) - Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt gần 243,5 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt trên 480 tỷ USD; xuất siêu gần 6,8 tỷ USD.

Sáng 10/4, tại Đà Nẵng, Bộ Công thương tổ chức Lễ công bố Báo cáo xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam năm 2018.

Báo cáo cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, những kỷ lục mới, đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 243,5 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm trước; xuất siêu gần 6,8 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017.

Xuất nhập khẩu 2018: Xác lập kỷ lục mới - 1

 Lễ công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2018

Cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục đảm bảo định hướng được đề ra tại Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

Chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng hóa XNK vẫn là nhóm hàng công nghiệp với tỷ trọng 82,8%, tăng 1,7% so với năm 2017; tiếp đến là nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm 10,9%, giảm 1,2% so với năm 2017 và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản chiếm 1,9% tổng kim ngạch XK, giảm 0,3% so với năm 2017.

Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu trong hoạt động XNK và cũng là năm thặng dư cán cân thương mại của nước ta đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Mức thặng dư kỷ lục đạt được năm 2018 là khoảng 6,8 tỷ USD, gần gấp 3 lần so với thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD). Kết quả này đã góp phần ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là nước đang trên đà hội nhập sâu rộng, đặc biệt là hội nhập quốc tế về kinh tế.

Cùng với hiệu quả của XK, năm 2018, NK cũng được quản lý, kiểm soát tốt, qua đó, tạo thặng dư thương mại năm thứ 3 liên tiếp và đạt ở mức rất cao, gần 7 tỷ USD, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong nước. Đồng thời, cơ cấu NK tiếp tục được bảo đảm và dịch chuyển tích cực, theo hướng trọng tâm vào phục vụ sản xuất trong nước.

Theo ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng Biên tập Báo Công thương, Phó Chủ tịch Hội đồng biên tập, trong những năm gần đây, nhu cầu cần nguồn thông tin rõ ràng, có hệ thống và minh bạch là vấn đề được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách rất quan tâm và đặt ra. Việc công bố thông tin kịp thời và đáng tin cậy cho phép những người sử dụng thông tin đó có thể dự báo, đánh giá về tình hình và hiệu quả các hoạt động diễn ra trong nền kinh tế đất nước.

Khánh Hồng