1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bế tắc, 2 bộ trưởng họp bàn "giải cứu"

(Dân trí) - Việc Trung Quốc ra chính sách mới nhằm siết chặt quản lý nông thuỷ sản nhập khẩu đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, hàng hoá ùn ứ ở cửa khẩu… Điểm đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp/hộ kinh doanh của Việt Nam vẫn còn tâm lý coi thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính…

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bế tắc, 2 bộ trưởng họp bàn giải cứu - 1
Một số địa phương và doanh nghiệp chưa nhận thức được, vẫn giữ phương thức kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá.

Xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó, vì đâu?

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển xuất khẩu nông thuỷ sản sang Trung Quốc, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương cho biết, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu mặt hàng nông sản sang Trung Quốc có chiều hướng sụt giảm.

Nguyên nhân đến từ việc Trung Quốc thay đổi chính sách mới, kiểm soát chặt hơn các điều kiện nhập khẩu. Ông Tuấn Anh nhận xét, đây là xu thế tất yếu, không chỉ Trung Quốc mà nhiều thị trường khác cũng đẩy mạnh kiểm soát chặt hơn để đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Trong khi đó, một bất cập trong xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc được ông Tuấn Anh chỉ ra, đó là sự “thiếu chuyên nghiệp” và còn phụ thuộc quá nhiều vào tiểu ngạch.

“Các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, giữ tập quán kinh doanh chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không ổn định về thị trường, dẫn tình trạng tồn đọng, ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả xuất khẩu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng rằng việc nâng cao chất lượng tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc là “đòi hỏi đúng”.

Bởi ai cũng có nhu cầu đòi hỏi những sản phẩm tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh. “Không còn cách nào là chúng ta phải thích nghi”, ông Cường nói.

Theo Bộ trưởng Cường, Trung Quốc là thị trường cực kỳ tiềm năng, có dung lượng khổng lồ. Nông sản Việt Nam lại mang tính bổ trợ cho nông sản Trung Quốc. Do vậy, thời gian tới phải đẩy mạnh tháo gỡ các nút thắt, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

“Cứ bảo các bạn thay đổi phương thức nên khó khăn. Nhưng nếu làm tốt thì tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì”, ông Cường nhấn mạnh.

Còn chủ quan, coi Trung Quốc là thị trường dễ tính

Ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu 3 nguyên nhân chính khiến việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm, hàng hoá ùn ứ cửa khẩu, đó là do tiêu thụ nội địa giảm (ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung); Trung Quốc đẩy mạnh chính sách tự cung tự cấp, đồng thời đẩy mạnh chính sách kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp cần bỏ tâm lý coi thị trường Trung Quốc dễ tính.

Trong khi đó, điểm đáng lưu ý theo ông Hải, một nguyên nhân căn cơ mãi phía Việt Nam chưa sửa được, đó là nông sản thuỷ sản chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn.

“Một số địa phương và doanh nghiệp chưa nhận thức được, vẫn giữ phương thức kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá”, ông Hải nói.

Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh nêu thực trạng, từ đầu năm 2019 đến nay, việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hoá từ Việt Nam xuất khẩu sang với yêu cầu về kiểm nghiệm, kiểm dịch, nguồn gốc xuấy xứ, phải có mã số doanh nghiệp… dẫn đến hàng hoá nông lâm thuỷ sản có thời điểm bị ứ đọng cục bộ.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được vị này chỉ ra đó là do các hộ kinh doanh/doanh nghiệp “có tâm lý coi thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính”.

Đặc biệt, dù tỉnh Quảng Ninh đã thông báo về việc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hoá nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc. Các doanh nghiệp/hộ dân còn chủ quan chưa thực hiện.

“Một số sản phầm chưa đảm bảo các điều kiện chất lượng, hàm lượng một số chất vượt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí có cả chất cấm. Khi thông quan, phía hải quan Trung Quốc kiểm dịch lại và trả lại hàng dẫn đến thiệt hại và nguy cơ doanh nghiệp đó sẽ bị đưa vào danh sách đen”, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công Thương xem xét chọn một số mặt hàng có dung lượng lớn và Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn, theo đó không cho phép buôn bán tiểu ngạch như tôm, cao su, sắn, tinh bột sắn…

Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai cũng cho biết thời gian gần đây, phía Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước đây các loại nông sản như hạt tiêu, thảo quả… được cư dân biên giới phía bạn nhập khẩu theo hình thức mua bán trao đổi cư dân biên giới không cần chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì hiện tại các mặt hàng này đã thực hiện truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bao bì, hàng hoá phải được cấp C/O từ phía Việt Nam thì các lực lượng chức năng phía bạn mới cho phép cư dân biên giới thực hiện nhập khẩu.

Về giải pháp đưa ra, bà Lê Hoàng Oanh – Vị thị trường châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần bỏ tâm lý coi thị trường Trung Quốc dễ tính.

Đồng thời giảm dần, tiến tới xoá bỏ thương mại tiểu ngạch. Tập trung xuất khẩu chính ngạch, nâng cao chất lượng, mẫu mã... của sản phẩm.

Nguyễn Mạnh

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bế tắc, 2 bộ trưởng họp bàn giải cứu - 2

.