1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Xuất khẩu khốn khổ vì virus corona, Bộ Công Thương kiến nghị cách “giải cứu"

(Dân trí) - Bộ Công Thương đã đưa ra một loạt kiến nghị như tăng cường tiêu thụ nội địa, kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước; rà soát các loại thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay…

Xuất khẩu khốn khổ vì virus corona, Bộ Công Thương kiến nghị cách “giải cứu - 1
Trung Quốc "đóng cửa" vì dịch cúm, dưa hấu siêu rẻ, bán la liệt ở vỉa hè Hà Nội.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ này vừa có cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn liên quan tới tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng những diễn biến phức tạp của dịch và các biện pháp quyết liệt để chống dịch như cách ly cả một thành phố, hạn chế đi lại, hạn chế xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập đông người, ngừng xuất khẩu các vật tư quan trọng cho nhu cầu chống dịch, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải (nặng nhất là vận tải hàng không, sau đó là vận tải đường bộ và đường sắt qua biên giới), du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics…

“Hoạt động xuất nhập khẩu không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn (có thể từ 6 đến 8 tháng)”, Bộ Công Thương nhận định.

Nguyên nhân trước hết là do nhu cầu tiêu thụ giảm (chuỗi Starbucks Trung Quốc đóng cửa hàng ngàn cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cà phê; chuỗi McDonald đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cá phi-lê; các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu đối với thủy sản...).

Chợ biên giới mở chậm hơn thường lệ, trước mắt là đóng đến ngày 8/2/2020 khiến trao đổi cư dân bị gián đoạn trong khi đây vẫn là hình thức trao đổi quan trọng đối với một số nông sản của ta, nhất là trái cây.

Ngoài ra, khách mua Trung Quốc không sang được Việt Nam như thường lệ nên không có đơn hàng mới mặc dù một số chủng loại trái cây đã vào vụ.

Đồng thời theo Bộ Công Thương, việc đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản (như sầu riêng, chanh leo) do Bộ NN và PTNT phụ trách đang diễn biến thuận lợi nhiều khả năng bị đình trệ do các đoàn chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam.

“Phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới hoạt động xuất nhập khẩu là tương đối rộng nhưng thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất”, Bộ Công Thương nhận định.

Theo số liệu từ Bộ này, hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.

Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản cập nhật tình hình và đưa ra cảnh báo gửi tới Bộ Nông nghiệp, các tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản; yêu cầu toàn bộ hệ thống Thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, đặc biệt là trái cây; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu.

Các chi nhánh Thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam cũng đã và đang tích cực cùng các tỉnh biên giới trao đổi với phía Trung Quốc về thời gian mở lại các chợ biên giới. Bộ cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ.

Mặc dù vậy theo Bộ Công Thương, kết quả thu được là chưa nhiểu.

Nguyên do bởi xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, nhất là xuất khẩu trái cây, do được ưu đãi về thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc, vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn dù Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch trong suốt 2 năm qua. Với sản phẩm xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, chỉ còn cách chờ chợ biên giới được mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, các chủ hàng ngại ngần khi được đề nghị chuyển sang xuất khẩu chính ngạch bởi chuyển sang xuất khẩu chính ngạch đồng nghĩa với việc mất thêm chi phí, chưa kể phải đáp ứng các yêu cầu khác về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc...

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã đưa ra một loạt kiến nghị như khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài.

Tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước.

Hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay... để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay, góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân.

Nguyễn Mạnh