1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Xót ruột” giá xăng dầu trong tăng ngoài giảm

Giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tiếp giảm mạnh, trong khi đó, giá xăng dầu trong nước vừa tăng lên khiến người tiêu dùng không khỏi “xót xa” khi tiếp tục phải chờ sau 15 ngày mức giá này mới có khả năng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng dầu tăng bất hợp lý

Kể từ khi giá xăng dầu trong nước tăng đồng loạt hôm 18/9 vừa qua, giá dầu thế giới lại liên tục giảm mạnh, đặc biệt sau quyết định không tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), giá dầu thế giới đã giảm mạnh nhất 3 tuần qua.

“Xót ruột” giá xăng dầu trong tăng ngoài giảm - 1

Hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 trên sàn Nymex (WTI) chốt phiên ngày 18/9 còn 44,68 USD/thùng, giảm 2,22 USD/thùng, tương ứng 4,7% - đánh dấu phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 1/9 cả về giá và tỷ lệ %. Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn ICE Futures rớt 1,61 USD/thùng (tương ứng 3,3%) xuống 47,47 USD/thùng, nâng tổng mức sụt giảm trong cả tuần vừa qua lên 3,2%. Giá dầu bình quân trong tuần vừa qua chỉ đứng ở mức 46 USD/thùng, tuần trước nữa còn ở mức thấp hơn là 45 USD. Với sự sụt giảm của giá dầu thô, giá xăng dầu thành phẩm thế giới cũng đã giảm mạnh theo.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, quyết định tăng giá các mặt hàng xăng dầu trong nước đã vào đúng thời điểm giá dầu thế giới lao dốc giảm mạnh. Song, do điều hành giá xăng dầu hôm 18/9 dựa vào giá xăng dầu thành phẩm nhập về của trung bình 15 ngày trước đó nên đã “không khớp” với giá thế giới ở thời điểm điều chỉnh.

Với giá xăng dầu thế giới giảm như hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại được hưởng lợi khi giá bán ra đã được điều hành tăng lên. Còn người tiêu dùng tiếp tục phải chờ 15 ngày tới, giá xăng dầu trong nước mới có thể được điều chỉnh, và đương nhiên từ nay đến ngày đó, họ phải chịu cảnh mua xăng dầu với giá đã tăng lên hơn 600 đồng/lít như hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, bất cập lớn nhất của điều hành giá xăng dầu là cứ 15 ngày mới được điều chỉnh một lần nên mới xảy ra cảnh giá thế giới tăng thì ta giảm, thế giới giảm thì ta tăng. “Điều hành tăng giá xăng dầu vừa qua cũng tương tự, tăng đúng vào thời điểm giá thế giới đi xuống” - ông Long nói.

Theo ông Long, với đà giảm của giá xăng dầu thế giới hiện nay mà người tiêu dùng phải mua xăng với giá đã tăng lên thì không có gì ngạc nhiên khi người dân cảm thấy “xót ruột”, thậm chí là cảm thấy giá xăng dầu trong nước tăng bất hợp lý.

Cần rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua lẽ ra các cơ quan Nhà nước có thể cho xả quỹ để tránh tăng giá xăng dầu trong nước. Bởi xu thế giảm của giá xăng dầu thế giới đã và đang được dự báo tiếp tục diễn ra. Và kỳ điều hành tới nếu giá thế giới tiếp tục giảm cơ quan Nhà nước vẫn có thể giữ giá và trả bù lại quỹ.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù giá xăng đã giảm 7 lần (tổng cộng 5.586 đồng/lít) và tăng 5 lần (tổng cộng 5.652 đồng/lít) nhưng mức tăng vẫn cao hơn mức giảm. Giá xăng hiện tại đang cao hơn cuối năm ngoái khoảng hơn 100 đồng/lít. Tính bình quân 8 tháng đầu năm nay, giá bán lẻ xăng A92 chỉ giảm 23,6% trong khi giá xăng dầu thế giới 8 tháng qua giảm trên 35%.

Điều này cho thấy, mặc dù giá xăng dầu có tăng có giảm thời gian qua, song điều hành giá mặt hàng này chưa thật khớp với diễn biến của thị trường thế giới, tăng vẫn nhiều hơn giảm trong khi giá thế giới giảm lại mạnh hơn tăng. Cơ cấu giá xăng dầu Việt Nam vẫn được giới chuyên gia đánh giá là đang phải gánh quá nhiều loại thuế phí - vốn đang chiếm quá nửa so với giá bán lẻ ra thị trường, ảnh hưởng đến điều hành giá mặt hàng này trong nước khiến người tiêu dùng khó hưởng giá xăng dầu thấp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, quan điểm của các cơ quan điều hành cần hướng tới hài hòa hơn quyền lợi người tiêu dùng. “Các doanh nghiệp xăng dầu từ đầu năm đến nay đều công bố lãi lớn. Trong khi đó, các cơ quan Nhà nước thì chưa muốn giảm bớt các loại thuế phí, lãi định mức trong kinh doanh xăng dầu; thậm chí còn lo giá xăng dầu trong nước thấp sẽ dẫn tới buôn lậu. Chống buôn lậu xăng dầu là việc của cơ quan Nhà nước. Đảm bảo an ninh xăng dầu cũng là việc của Nhà nước. Cần tách bạch việc kinh doanh xăng dầu với các nhiệm vụ của Nhà nước để việc điều hành giá xăng dầu phù hợp với thị trường, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng hơn” - đó cũng là là quan điểm của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

Trước mắt, ông Phong kiến nghị cần nghiên cứu rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu trong nước để phù hợp với giá thế giới. Việc tăng giảm giá xăng dầu trong nước sẽ còn tiếp tục trái ngược nếu cơ chế điều hành chưa được thay đổi” - ông Phong nhấn mạnh.

Ông Ngô Trí Long khẳng định: Giá xăng dầu thế giới hiện nay tăng hay giảm thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước cũng đã được cộng hai khoản chi phí và lợi nhuận định mức trên mỗi lít xăng, gồm 1.050 đồng/lít và 300 đồng/lít. Như vậy, ở thời điểm nào thì doanh nghiệp cũng không lo lỗ mà vẫn lãi.

Theo Mai Hương
Dân Việt

 

“Xót ruột” giá xăng dầu trong tăng ngoài giảm - 2