1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xôn xao hàng loạt chung cư bị mang "cắm" ngân hàng

(Dân trí) - Dù được nhiều chuyên gia cho rằng, việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn là hoạt động bình thường nhưng những thông tin này vẫn khiến một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Hàng loạt dự án được "cắm" ngân hàng

Mới đây, vụ việc BIDV thông báo siết nợ chung cư The Harmona (TPHCM) hay nghi án chung cư cao cấp Dophin Plaza (Hà Nội) bị thế chấp ngân hàng đã khiến một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng. Một số ý kiến còn cho rằng, dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.

Như tại dự án Dolphin Plaza, chủ nhân một căn hộ tại dự án chung cư này sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã làm các thủ tục để thế chấp căn hộ tại ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Hà Nội. Tuy nhiên, tại đây, người này nhận được thông tin “toà nhà Dolphin Plaza đã bị chủ đầu tư mang thế chấp”.

Người này sau đó đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội yêu cầu làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, chỉ đến khi sự việc có sự tham gia của báo chí, buổi tối cùng ngày trường hợp của bà mới được giải quyết. Phía ngân hàng thông báo căn hộ của bà đã được giải chấp và chỉ đủ điều kiện để hoàn thành thủ tục vay vốn.

Sau đó, chủ đầu tư TID cũng đã có phản hồi về vấn đề này. Tuy nhiên, về phía người mua nhà tại dự án này vẫn không khỏi lo ngại về việc có gặp phải tình trạng giống như trên hay không? Trong diễn biến khác, cả phía ngân hàng và chủ đầu tư TID khi được hỏi đều từ chối cho biết thông tin chi tiết hiện tại có bao nhiêu căn hộ trong diện đang thế chấp cũng như tình hình tài chính cụ thể của phía chủ đầu tư ra sao.

Ngoài những vụ việc trên, gần nhất, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM vừa công bố danh sách 77 dự án bất động sản được chủ đầu tư đem thế chấp tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến ngày 8/6, theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như theo yêu cầu của UBND TPHCM trong việc rà soát tình hình thực hiện các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố.

Thông tin về vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc doanh nghiệp thế chấp, giải chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường. Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng vậy, việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường.

Có đáng lo ngại?

HoREA cũng chỉ ra lo ngại rằng, đa số chủ đầu tư sử dụng vốn huy động đúng mục đích; nhưng cá biệt, cũng có chủ đầu tư sử dụng vốn huy động sai mục đích, đầu tư dàn trải, thậm chí tiêu dùng cá nhân dẫn đến không hoàn thành dự án, không bàn giao được nhà cho người mua, mất thanh khoản, gây ra nợ xấu gây thiệt hại cho khách hàng và làm cho người tiêu dùng mất lòng tin. Trong khi đó, đối với ngân hàng nhận thế chấp, đa số đều thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, nhưng cũng có chi nhánh ngân hàng buông lỏng quản lý, thậm chí dễ dãi, dẫn đến chủ đầu tư sử dụng vốn vay sai mục đích.

“Hiệp hội đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng... để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà.”, HoREA cho biết.

Hiệp hội cũng đề nghị ngân hàng nhận thế chấp có cơ chế giám sát bên thế chấp (chủ đầu tư) sử dụng nguồn vốn vay tín dụng và vốn huy động của khách hàng đúng mục đích nhằm hoàn thành dự án, nhà ở để bàn giao cho khách hàng, thực hiện giải chấp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng đúng quy định.

Trao đổi tại buổi tọa đàm mới dây, xung quanh những vấn đề liên quan tới việc chủ đầu tư thế chấp dự án vay ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty Luật ATIM cho biết, chuyện này là bình thường vì tất cả chủ đầu tư phải vay vốn ngân hàng. Họ thế chấp dự án, căn hộ hình thành trong tương lai. Luật cũng đã có quy định điều kiện thế chấp.

Ông Hiền nói điều kiện thế chấp là họ phải giải chấp căn hộ đó tùy trường hợp người mua và ngân hàng đồng ý. Nếu muốn bán nhà đó cho người mua thì phải giải chấp căn nhà đó, vì nhà đang bán không thể thế chấp được. Thỏa thuận các bên như thế nào là tùy thuộc, nhưng điều kiện của Luật là phải giải chấp căn hộ đó. Trường hợp như Harmora vừa rồi là sai quy định. Hiện Việt Nam còn thiếu chế tài đủ răn đe các chủ đầu tư vi phạm.

Còn theo ông Phan Trường Sơn, Trung tâm Phát triển Nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng TPHCM lưu ý người mua nhà nên xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến bảo lãnh hay thế chấp của dự án. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư đã thế chấp rồi, muốn bán thì phải giải chấp. Khách hàng cần lưu ý bảo lãnh của ngân hàng là đối với các dự án đã thế chấp và bảo lãnh cho khách hàng tiến độ dự án. Khi chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ cam kết thì ngân hàng phải trả lại tiền cho người mua.

Một chuyên gia đầu tư các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thì cho biết, tại một số quốc gia, điều khoản hợp đồng giao dịch giữa chủ đầu tư và người mua rất chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của người mua không bị rơi vào tình trạng bị động khi chủ đầu tư vỡ nợ mà dự án lại đang bị cầm cố. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khung pháp lý chưa đầy đủ, cả người dân và chủ đầu tư đều chưa đề cập tới trường hợp trên. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra thì người bỏ tiền mua dự án là thiệt. Bởi vì, để bảo vệ quyền lợi, họ chỉ còn cách kiện chủ đầu tư, mà chủ đầu tư khi đó đã vào đường cùng.

Phương Dung