1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Xe nhồi nhét người” ngày càng thịnh hành ở Venezuela

(Dân trí) - Do thiếu nguồn cung cấp xe hơi, hơn nữa, nhiều người Venezuela cũng không còn đủ khả năng sở hữu xe ô tô riêng nên họ đã đồng loạt tìm đến phương tiện giao thông công cộng miễn phí được nhồi nhét hàng chục người mỗi chuyến.

Người dân Venezuela đi trên một chiếc xe lồng trong khu ổ chuột Caracas. (Nguồn: AFP Photo/Federico PARRA)
Người dân Venezuela đi trên một chiếc xe lồng trong khu ổ chuột Caracas. (Nguồn: AFP Photo/Federico PARRA)

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela đã hạn chế khả năng người dân mua được thực phẩm, nước, điện, và bây giờ là phương tiện đi lại.

Rất ít người đủ khả năng để lái xe và giữ cho chiếc xe của họ vẫn lăn bánh trong nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng. Thêm nữa, chi phí của các bộ phận phụ tùng xe hơi cũng vượt ngoài khả năng mua của người dân.

Chính vì vậy, những chiếc xe tải chở hành khách trông giống như một chiếc lồng di động đang ngày càng trở nên thịnh hành tại Venezuela.

Theo hãng tin AP, những hành khách này đang mạo hiểm sự sống của họ trong giải pháp nguy hiểm của Venezuela cho cuộc khủng hoảng giao thông công cộng.

Đáng nói, 55 người đã chết kể từ tháng 4 năm nay khi đi trên những chiếc xe này. Vào tháng 5, 16 người đã chết tại Merida trong một tai nạn do chiếc xe lồng này gây ra.

“Chúng tôi giống như bị nhốt trong một cái chuồng nhốt gia súc”, anh Jose Miguel, một thợ xây 20 tuổi ở ngoại ô thủ đô Caracas nói với AFP.

Theo đó, ngoài việc cấm chở khách trong lồng các xe tải vì đã gây nên một loạt các tai nạn chết người, chính phủ Venezuela còn cho ra mắt đội xe chở khách miễn phí.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã đổ lỗi cuộc khủng hoảng này lên các công đoàn lao động và cáo buộc họ phá hoại.

Giải thích điều này, một số tờ báo cho biết, phương tiện giao thông công cộng ở Venezuela được cung cấp bởi các công ty tư nhân có giấy phép hành khách. Nhưng 90% đội vận tải công cộng đã bị tê liệt do siêu lạm phát.


Một người đàn ông giúp một đứa trẻ lên một chiếc xe tải ở Valencia, Venezuela. (Nguồn: Reuters)

Một người đàn ông giúp một đứa trẻ lên một chiếc xe tải ở Valencia, Venezuela. (Nguồn: Reuters)

Hơn nữa, các nhà cung cấp cũng không thể kiếm đủ tiền để mua phụ tùng thay thế, vì vậy họ ngừng chạy xe buýt của họ.

Cụ thể, một chiếc xe buýt với sức chứa 30 người chỉ có thể kiếm được 5 triệu bolivar (tương đương 1,5 USD) mỗi ngày nhưng một chiếc lốp dự phòng trên thị trường chợ đen tiêu tốn tới 1 tỷ bolivar (tương đương 300 USD).

“Siêu lạm phát đã xóa sạch các phương tiện công cộng. Trong số 12.000 chiếc xe buýt, giờ chỉ còn lại 10%”, ông Oscar Gutierrez, một tài xế xe buýt và lãnh đạo công đoàn ở bang Miranda nói với AFP.

Thậm chí, theo ông Gutierrez, tất cả các tài xế xe buýt đã cố gắng tránh làm việc trong những giờ nóng nhất để kéo dài tuổi thọ của lốp xe.

Đáng nói, dù xe buýt của Venezuela là xe buýt lâu đời nhất trong khu vực, nhưng không phải vì nước này không nhập xe buýt đời mới hơn.

“Chính phủ nhập khẩu những chiếc mới hơn vào năm 2015 nhưng đã có một khu “nghĩa trang” cho những chiếc xe buýt đó. Bởi Chính phủ cũng không thể duy trì chúng”, ông Gutierrez cho hay.

Vì vậy, do thiếu xe buýt và tiền mặt, nhiều hành khách đã lựa chọn các xe miễn phí này.

“Tôi thích ngồi trong xe lồng hơn là đi bộ hàng giờ”, ông Ruth Mata, một chủ cửa hàng 52 tuổi có bệnh về tủy sống nói.

Ngoài ra, những chiếc xe khác nữa, chẳng hạn như xe tải đông lạnh mang thức ăn vào ban ngày và xe chở hàng hóa khác vào buổi tối cũng bắt đầu tham gia vào việc này.

Hồng Vân (Tổng hợp)

“Xe nhồi nhét người” ngày càng thịnh hành ở Venezuela - 3