1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Xăng đáng lẽ ra phải tăng 3.500 đồng/lít"

(Dân trí) - Đại diện Bộ Công thương cho biết, nếu để thị trường điều tiết thì nhẽ ra giá xăng vừa qua đã phải tăng 3.500 đồng/lít. Tuy nhiên với mức tăng 1.600 đồng trong khi tổng mức giảm trước đó là hơn 10.000 đồng thì nền kinh tế vẫn đang hưởng lợi từ xu hướng giá giảm.

Việc giá xăng dầu và giá điện tăng gần như cùng thời điểm chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên
Việc giá xăng dầu và giá điện tăng gần như cùng thời điểm chỉ là "trùng hợp ngẫu nhiên"

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Khó thu hút đầu tư vào ngành điện: “Đừng đổ oan cho giá điện thấp!”

* Tỷ giá USD/VND tạo “sóng lớn” và tâm lý kỳ vọng

* Chiêm ngưỡng các toa tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam

* Điện, xăng dầu nối đuôi nhau tăng giá là “trùng hợp ngẫu nhiên”!

* Sắp khởi công cảng hàng không 7.500 tỷ đồng tại Quảng Ninh

* Chuyện về đại gia có hơn 20.000 căn nhà mặt phố tại Sài Gòn

Tại phiên tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện” được Cổng thông tin điện tử Chính phủ (VGP) tổ chức chiều này (16/3/2015), các vấn đề bất cập trong điều hành giá hai mặt hàng này đều đã được đưa ra “mổ xẻ” khá kỹ và nhận được nhiều phản hồi từ phía cơ quan chức năng cũng như chuyên gia kinh tế.

Nói về việc vì sao giá điện và giá xăng dầu lại được điều chỉnh tăng mạnh gần như cùng thời điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, điều này là hoàn toàn “ngẫu nhiên” và có sự “trùng hợp”. Bởi giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, thời điểm điều chỉnh giá đã được quy định cụ thể tại Nghị định 83; trong khi đó việc điều chỉnh tăng giá điện đã được đề xuất từ trước và qua đánh giá, phê duyệt của thường trực Chính phủ. Thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện đã được chọn lựa để tránh tác động xấu lên đời sống kinh tế, xã hội.

Có mặt tại phiên tọa đàm, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết thêm, nếu để thị trường điều tiết thì nhẽ ra trong dịp Tết, giá xăng đã phải tăng 2.400 đồng/lít và dịp 11/3 vừa rồi phải điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/lít nữa. Như vậy, nếu theo đúng thị trường giá xăng phải tăng 3.500 đồng/lít. Tuy nhiên, vừa rồi Quỹ bình ổn đã được sử dụng như một “cái van” để giảm sốc của việc tăng giá. Ông Quyền cũng khẳng định quan điểm của cơ quan điều hành là giảm thì giảm tối đa nhưng tăng thì tránh sốc. Và như vậy, vừa rồi giá xăng chỉ tăng 1.600 đồng/lít, còn 1.800 đồng/lít được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trên thực tế, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 14 lần từ tháng 7/2014 cho đến nay, mức giảm trên 10.000 đồng/lít tương đương mức giảm gần 40% trong khi vừa rồi mức tăng 1.600 đồng/lít tương ứng khoảng 10%, do đó, nhìn chung thì xu hướng vẫn giảm là chủ yếu, mức độ giảm vẫn lớn và tác động có lợi lên sản xuất và tiêu dùng vẫn là chủ đạo.

Cũng theo nhận định của ông Quyền, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng và tiêu dùng đầu cuối, do đó, tăng/giảm giá xăng dầu có tác động trực tiếp vào giá đầu cuối cũng như giá sản phẩm trung gian. 

Liên quan đến mối quan ngại, “liệu giá hàng hóa có tát nước theo mưa khi giá xăng dầu và giá điện cùng tăng giá?” và liệu có xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe” trong công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau khi giá hai mặt hàng này được công bố điều chỉnh thì Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các UBND các tỉnh thành phố và đưa ra các giải pháp điều hành. 

Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương phải theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả một số mặt hàng do nhà nước định giá và trong trường hợp các mặt hàng thiết yếu tăng thì phải tham mưu để bình ổn giá. Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát giá đầu vào, tăng thanh tra, kiểm tra về giá, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nếu các đơn vị sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh giá của hai mặt hàng nói trên thì phải có cải thiện về kỹ thuật để tránh tác động lên chi phí, giá thành.

Đại diện Bộ Công thương – ông Võ Văn Quyền cũng thêm rằng, thông thường CPI tăng thường do 2 nguyên nhân: Do chi phí đầu vào (chi phí đẩy) và do cung không đáp ứng được cầu (cầu kéo). Bên cạnh việc giám sát, kiểm tra, điều tiết giá thị trường thì cũng cần xem xét phần cung để đảm bảo cung đáp ứng sát cầu. Cùng với đó, gắn với công khai minh bạch trong điều hành, kiểm tra, kiểm soát thì theo ông Quyền, việc thông tin truyền thông cũng phải được điều chỉnh để tránh lạm phát kỳ vọng.

Dẫn tính toán của Tổng cục Thống kê, ông Quyền cho biết thêm, việc giá xăng dầu giảm sâu và kéo dài đã khiến CPI giảm 4 tháng liên tiếp (từ tháng 11/2014 đến tháng 2/2015). Trong tháng 2/2015, CPI giảm 0,05% thì trong đó chỉ số giá giao thông góp phần vào 0,39% với mức giảm riêng của nhóm này là 4,41%. Trường hợp đơt tăng giá ngày 11/3 vừa rồi sẽ tác động khiến CPI tăng thêm 0,03%. 

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) thì cho rằng, giá xăng dầu giảm thì có lợi cho nền kinh tế (chi phí đầu vào giảm và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp), tuy nhiên khi giá giảm thì cùng với đó nhu cầu sử dụng sẽ tăng, trong khi mặt hàng này lại không được khuyến khích vì càng sử dụng càng tác động xấu đến môi trường. 

Hiện nay giá xăng dầu Việt Nam so với các nước trong khu vực thấp hơn từ 1.000 đến 7.000 đồng/lít xăng dầu, do đó, theo ông Thi, việc tăng thuế là một trong những biện pháp để tránh tạo ra sự "chênh lệch quá đáng" và gây nên buôn lậu. Thêm vào đó, việc tăng thuế đối xăng hóa thạch thì sẽ tăng việc sử dụng xăng sinh học. Do đó, đại diện ngành thuế khăng định, việc tăng thuế môi trường lên 3.000 đồng/lít xăng như vừa rồi là phù hợp, tránh được bất lợi cho nền kinh tế.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”