1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

WB: Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang hưởng lợi từ giá dầu giảm

(Dân trí) - Giá dầu giảm sẽ kích thích cầu nội địa ở phần lớn các quốc gia trong khu vực và sẽ đem lại cho các nhà hoạch định chính sách cơ hội có một không hai để thúc đẩy các cải cách tài khóa giúp tăng thu ngân sách và tái định hướng chi tiêu công.

WB: Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang hưởng lợi từ giá dầu giảm
Mức giá dầu thô thấp trên toàn cầu sẽ đem lại lợi ích cho phần lớn các quốc gia đang phát triển ở Đông Á, đặc biệt là Campuchia, Lào, Philippines, Thái Lan và các quốc đảo Thái Bình Dương.
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày hôm nay (13/4), tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm nhẹ, mặc dù khu vực này được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm và kinh tế tiếp tục phục hồi tại các nước phát triển.


WB cho rằng, các nền kinh tế đang phát triển khu vực Đông Á được dự báo tăng trưởng 6,7% trong năm 2015 và 2016, giảm nhẹ so với tốc độ 6,9% trong năm 2014. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại ở mức khoảng 7% trong hai năm tới so với tốc độ tăng trưởng 7,4% trong năm  2014. Dự kiến tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển còn lại của khu vực Đông Á tăng thêm nửa điểm phần trăm đạt 5,1% vào năm nay, chủ yếu do cầu nội địa ở các nền kinh tế Đông Nam Á lớn – nhờ vào tâm lý lạc quan của người tiêu dùng và giá dầu giảm. Một vài nền kinh tế nhỏ hơn, đặc biệt là những nước chuyên xuất khẩu hàng hóa thô như Mông Cổ, sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn.


Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB nói: “Mặc dù tăng trưởng chậm lại đôi chút ở khu vực Đông Á, khu vực này vẫn góp tới 1/3 tăng trưởng toàn cầu, gấp 2 lần so với tổng mức đóng góp của tất cả các khu vực đang phát triển khác cộng lại. Giá dầu giảm sẽ kích thích cầu nội địa ở phần lớn các quốc gia trong khu vực và sẽ đem lại cho các nhà hoạch định chính sách cơ hội có một không hai để thúc đẩy các cải cách tài khóa giúp tăng thu ngân sách và tái định hướng chi tiêu công theo hướng tập trung vào cơ sở hạ tầng và các chi tiêu khác cho năng lực sản xuất. Những cải cách này có thể cải thiện năng lực cạnh tranh cho khu vực Đông Á và giúp khu vực này duy trì vị thế của mình là động cơ tăng trưởng kinh tế của thế giới.”

Mức giá dầu thô thấp trên toàn cầu sẽ đem lại lợi ích cho phần lớn các quốc gia đang phát triển ở Đông Á, đặc biệt là Campuchia, Lào, Philippines, Thái Lan và các quốc đảo Thái Bình Dương. Nhưng các quốc gia xuất khẩu nhiên liệu ròng của khu vực này, trong đó có Malaysia và Papua New Guinea, sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm lại và thu ngân sách giảm.

Ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế Trưởng Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB, cho biết: “Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đã tăng trưởng tốt trong thời gian qua bất chấp sự phục hồi thiếu ổn định trên toàn cầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, tuy nhiên rủi ro đối với khu vực này vẫn còn nhiều, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Để khắc phục những rủi ro này, điều mấu chốt là cải thiện chính sách tài khóa. Với giá dầu xuống thấp, các quốc gia – dù là xuất khẩu hay nhập khẩu dầu – nên cải cách cơ chế định giá năng lượng của mình để có được những chính sách tài khóa bền vững và công bằng hơn.” 
 
Phương Dung

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”