1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bỏ vốn ồ ạt vào nhiệt điện than, Nhật vượt Hàn trở lại số 1 đầu tư ở Việt Nam

(Dân trí) - Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT trong 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản đã vượt qua Hàn Quốc để lấy lại ngôi vị số 1 về đầu tư nước ngoài sau thời gian ngắn bị các nhà đầu tư xứ Kim chi "qua mặt".

Cụ thể, tính chung trong 12 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn thực hiện ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo đối tác đầu tư, có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư.

Nhật Bản vượt qua nhà đầu tư Hàn Quốc do bỏ vốn đầu tư lớn vào nhiệt điện than tại Nam Định, Thanh Hoá, Khánh Hoà.
Nhật Bản vượt qua nhà đầu tư Hàn Quốc do bỏ vốn đầu tư lớn vào nhiệt điện than tại Nam Định, Thanh Hoá, Khánh Hoà.

Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,3 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư.

Cả nước hiện có 2.600 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 21,3 tỷ USD. Có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8,41 tỷ USD. Lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, 12 tháng qua Việt Nam có 5.002 lượt dự án, với tổng giá trị góp vốn 6,19 tỷ USD.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ba địa phương thu hút FDI nhiều nhất là TP.HCM với 6,5 tỷ USD, Bắc Ninh 3,4 tỷ USD và Thanh Hoá với 3,17 tỷ USD.

Trong năm 2016, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với hai dự án tỷ USD của Samsung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và LG tại Hải Phòng, trong nhiều tháng đầu năm của năm 2017, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu trong nhóm các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Tuy nhiên, “gió đảo chiều” khi cuối năm nhiều dự án lớn tỷ USD của Nhật Bản đầu tư vào nhiệt điện như: Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 đều do các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia.

Thực tế, mối quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản khá cân bằng, Việt Nam nhận được nhiều vốn đầu tư của Nhật Bản song nước này không thâm hụt thương mại với Việt Nam. Qua hai năm 2016 - 2017, tổng kim ngạch thương mại Việt - Nhật đều ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, trong mối quan hệ thương mại, đầu tư Việt - Hàn, Việt Nam thâm hụt thương mại rất lớn từ Hàn Quốc, 11 tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu lớn 29 tỷ USD từ nước này, nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc dần thay thế nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc.

Nguyễn Tuyền

Bỏ vốn ồ ạt vào nhiệt điện than, Nhật vượt Hàn trở lại số 1 đầu tư ở Việt Nam - 2