1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Sự liên kết giữa các tỉnh còn lỏng lẻo và tự phát

(Dân trí) - "Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang chững lại trong cuộc đua với các vùng khác trên cả nước. Khu vực này cũng đang chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, quy hoạch và cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, thiếu những điểm đột phá toàn diện, liên kết vùng còn lỏng lẻo, sự liên kết giữa các tỉnh thành trong vùng còn mang tính tự phát".

Đó là đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn kinh tế trọng điểm phía Nam với chủ đề “vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Sự liên kết giữa các tỉnh còn lỏng lẻo và tự phát  - 1
Diễn đàn kinh tế trọng điểm phía Nam với chủ đề “vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”

Chững lại trong cuộc đua liên kết vùng

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được coi là “đầu tàu”, có vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế cả nước.

Cụ thể, trong 10 năm qua, mức tăng trưởng kinh tế của Vùng luôn giữ mức ổn định và cao hơn 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước. Đây được xem là vùng kinh tế động lực, hội tụ những lợi thế nổi trội cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 – 2018 của Vùng đạt 11,31%/năm, gấp 1,7 lần mức tăng bình quân cả nước. 

Năm 2018, GRDP của toàn Vùng đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,42% GDP của cả nước và chiếm 50% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của Vùng đạt khoảng 5.474 USD, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước.

Đây cũng là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với 15.000 dự án FDI còn hiệu lực, có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động,… Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã và đang phát huy lợi thế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành lân cận trong vùng.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Sự liên kết giữa các tỉnh còn lỏng lẻo và tự phát  - 2
Cái “bắt tay” trong liên kết vùng ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn mang tính… tự phát

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, mặc dù là “đầu tàu” kinh tế của cả nước nhưng tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lại đang có xu hướng chậm lại, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cản trở liên kết vùng và đặc biệt ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp.

Cái “bắt tay” còn mang tính… tự phát

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, những lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa được phát huy đầy đủ nhằm tạo ra động lực mới cho tăng trưởng. Điển hình như, kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, kết nối chưa đồng bộ. Không chỉ vậy, chất lượng phát triển đô thị còn thấp, nhiều khu vực còn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chưa đảm bảo hết nhu cầu an sinh xã hội.

Theo ông Lộc, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang chững lại trong cuộc đua với các vùng khác trên cả nước. Khu vực này cũng đang chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, quy hoạch và cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, thiếu những điểm đột phá toàn diện, liên kết vùng còn lỏng lẻo, sự liên kết giữa các tỉnh thành trong vùng còn mang tính tự phát.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Sự liên kết giữa các tỉnh còn lỏng lẻo và tự phát  - 3

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, những lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa được phát huy đầy đủ

“Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng chưa có trung tâm liên kết. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng còn mang tính chất tự phát, không cộng sinh được, không tích hợp được với nhau. Chưa kể, hình thức, chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa phát huy có hiệu quả lợi thể so sánh của Vùng”, ông Lộc nói.

Chính vì vậy, ông Lộc nhận định rằng, để phát huy hơn nữa tiềm năng của Vùng, hơn ai hết doanh nghiệp phải là trung tâm trong phát triển kinh tế.

Quế Sơn