1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vụ triệu hồi xe SH: Người tiêu dùng Việt có quá dễ dãi?

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đặt vấn đề: "Thử hỏi có ở đâu như Việt Nam, một sản phẩm bị cơ quan chức năng yêu cầu triệu hồi vẫn được bày bán công khai, vậy tính thực thi và pháp lý của quyết định triệu hồi ở đâu? Thật kỳ lạ".

"Có ở đâu như Việt Nam!"

Mặc dù Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu Honda Việt Nam triệu hồi xe máy SH125i và 150i vì lỗi kỹ thuật liên quan đến hệ thống báo động chống trộm, nhưng thực tế qua khảo sát thị trường 2 ngày nay, các dòng sản phẩm này vẫn được bày bán. Lý do được nhà sản xuất đưa ra là những sản phẩm này đã được khắc phục lỗi trong "chiến dịch dịch vụ" vừa rồi và người tiêu dùng có thể tự kiểm tra được.


Ổ khóa thông minh chống trộm trên dòng xe SH125i và 150i thế hệ mới của hãng Honda bị lỗi

Ổ khóa thông minh chống trộm trên dòng xe SH125i và 150i thế hệ mới của hãng Honda bị lỗi

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Honda ém nhẹm thông tin, không công khai triệu hồi lại còn bán sản phẩm cho khách hàng với lý giải đã khắc phục lỗi… là cách giải thích thiếu hợp tác. Và điều này lại càng trở nên vô cùng khó hiểu với một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động lâu năm tại thị trường Việt Nam.

Chỉ ra điểm khó hiểu trong cách lý giải của Honda Việt Nam, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: "Hãng này có bán hàng qua mạng đâu? Họ bán qua đại lý ủy quyền (HEAD). Chính vì vậy, việc hãng này thoái thác rằng đã thông tin cho khách hàng và người tiêu dùng trên website, theo tôi, đó chỉ là biện minh thôi. Với thông tin và cách lý giải này của Honda, phải chăng người tiêu dùng mua sản phẩm là phải vào website của hãng này để tìm hiểu sản phẩm mới được mua và nên mua?".

“Vụ việc sản phẩm Honda SH đang trong thời gian bị triệu hồi vẫn được bán ngoài thị trường, dù có lý giải gì đi nữa thì theo tôi phía Honda Việt Nam và cơ quan chức năng cần tự xem lại, nếu vẫn được bán cùng mặt hàng ấy, thì cơ quan Nhà nước ra lệnh triệu hồi xe làm gì?”, ông Long nói.

Theo ông Ngô Trí Long, dù lỗi của SH không ảnh hưởng đến vận hành, tính mạng của người tiêu dùng nhưng ảnh hưởng đến tài sản của người tiêu dùng, không đúng với công bố của nhà sản xuất. Vì thế, doanh nghiệp cần nghiêm túc trong việc thu hồi sản phẩm công khai, chịu mọi phí tổn đối với người tiêu dùng, thậm chí cả những đại lý phân phối khi họ chịu thiệt.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng: "Có ở đâu như Việt Nam, một sản phẩm bị cơ quan chức năng yêu cầu triệu hồi vẫn được bày bán công khai, vậy tính thực thi và pháp lý của quyết định triệu hồi ở đâu, triệu hồi thì triệu hồi, sản phẩm bán vẫn bán. Thật kỳ lạ".

Người tiêu dùng bị coi thường, qua mặt?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, theo thông lệ quốc tế, khi một sản phẩm trên thị trường bị cơ quan chức năng sở tại ra lệnh triệu hồi, sản phẩm đó phải được dừng thương mại hóa (bán hàng) để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo pháp luật được thực thi. Thế nhưng, tại Việt Nam, dù cố lỗi và buộc triệu hồi nhưng sản phẩm vẫn được lưu hành như "không có chuyện gì xảy ra". "Phải chăng người tiêu dùng Việt dễ dãi quá nên mới bị doanh nghiệp qua mặt, coi thường?!", một chuyên gia nhận xét.

Trao đổi với PV Dân Trí, kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng: việc triệu hồi hoặc công khai dư luận về lỗi xe tại Việt Nam đã khá phổ biến, đây không phải chuyện quá tệ hại vì trên thế giới đều có, thậm chí còn có quy mô lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tại Việt Nam văn hóa “triệu hồi”, “xin lỗi” của nhiều doanh nghiệp là con số 0 trõn trĩnh hoặc nếu có làm thì cũng chỉ làm cho có.

Ông Tạch nhớ lại: "Sự việc này làm tôi nhớ đến câu chuyện Toyota trước đây. Sản phẩm bị đánh giá là có lỗi nhưng chỉ đến khi kiến nghị lên Cục Đăng Kiểm, công khai trước dư luận thì mọi chuyện mới được làm rõ. Đó là lần đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận việc một hãng xe chính thức triệu hồi sản phẩm".

"Ở đây, hai sự việc khác nhau, nhưng bản chất vẫn là cách ứng xử của doanh nghiệp với người tiêu dùng. Có vẻ như thị trường và người tiêu dùng Việt Nam quá dễ chăng, nên họ đang bị coi thường và không được đối xử như bằng các nước khác?", ông Tạch nói.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng cho hay, các quốc gia phát triển, các hãng xe lớn không thương mại hóa sản phẩm trong thời gian triệu hồi, đều thực hiện những chương trình triệu hồi, sản phẩm vô cùng lớn và rất tốn kém. Đây là động thái thị uy sức mạnh, thể hiện uy tín và trách nhiệm của họ với người tiêu dùng. Họ chứng tỏ, họ không làm mập mờ, không gian dối.

Kỹ sư Tạch đánh giá, thông lệ quốc tế cũng như quy định của ta là mỗi mẫu xe sản xuất lắp ráp mới trên thị trường thì cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ GTVT giao cho Cục Đăng kiểm) kiểm tra và thử nghiệm xe mẫu, sau đó tất cả các công ty có đăng ký sản xuất sẽ sản xuất theo đúng mẫu xe đó.

Vì vậy, khi một sản phẩm khi có lệnh triệu hồi không được thương mại hóa trong thời gian đó cho đến khi các bên gồm cơ quan chức năng, doanh nghiệp và hội bảo vệ người tiêu dùng giải quyết xong và dỡ bỏ quy định, sản phẩm mới được bày bán. Thời gian bao lâu là do các bên làm việc với nhau, miễn là khi ra thị trường, sản phẩm đó phải được chứng nhận đã qua đăng kiểm đạt chất lượng.

Nguyễn Tuyền

Vụ triệu hồi xe SH: Người tiêu dùng Việt có quá dễ dãi? - 2