1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vụ "chết đứng" trong dự án treo: Chủ đầu tư "đổ lỗi" do... hoàn cảnh

(Dân trí) - Liên quan đến bài viết "Chết đứng trong dự án treo, sống trong khu đô thị tỷ đô, ra Quốc lộ phải đi bằng... ghe", phía chủ đầu tư đã lên tiếng cam kết sẽ sớm triển khai dự án vì đây là... thời điểm thích hợp nhất.

Trước đây, ngày 1/7/2008, Công ty Berjaya Land được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận cho phép đầu tư vào Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế (VIUT) thuộc địa bàn xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM. Đến ngày 17/8/2011, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác cải tạo đường phục vụ công tác quản lí đất đai và giải phóng mặt bằng. Đó là chưa kể, trong giai đoạn từ năm 2009 – 2010, đơn vị này tiếp tục hoàn thành việc rà phá bom mìn trên diện tích 500 ha (hơn 50% tổng diện tích) của dự án VIUT.

Ông Phương Anh Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty Berjaya Land cho biết, có những cái khó khiến dự án bất động
Ông Phương Anh Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty Berjaya Land cho biết, có những "cái khó" khiến dự án "bất động"

Dù bước đầu thực hiện xong những công tác nói trên nhưng chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết đền bù cho tất cả những hộ dân có đất trong dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế. Mặt khác, việc triển khai dự án bỗng “dậm chân tại chỗ” từ năm 2013 đến nay. Điều đáng nói là trong suốt khoảng thời gian dự án này “bất động”, chủ đầu tư vẫn không có thông báo gì cho người dân về việc thực hiện dự án của mình.

Lý giải về nguyên nhân dự án bị "trơ gan cùng tuế nguyệt" suốt một thập kỷ qua, đại diện chủ đầu tư, ông Phương Anh Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty Berjaya Land cho biết, có những "cái khó" khiến dự án "bất động".

Ông Phát cho hay, vào năm 2013 do ảnh hưởng sự khủng hoảng chung của nền kinh tế thế giới, công ty Berjaya Land cũng gặp khó khăn về vấn đề tài chính. Hơn nữa, trước sự suy thoái kinh tế, không chỉ công ty này mà nhiều “ông lớn” khác cũng không dám mạnh tay “rót vốn” cho các dự án của mình.

Hàng trăm hộ dân phải tạm trú trong những ngôi nhà rách nát, tạm bợ
Hàng trăm hộ dân phải tạm trú trong những ngôi nhà rách nát, tạm bợ

Riêng về dự án VIUT, do chủ đầu tư rụt rè trong việc chi tiền đầu tư nên dự án này đã bị “đóng đinh” trong một thời gian dài. Mặc dù vậy, chủ đầu tư cũng đã hoàn tất việc bồi thường cho khu đất có diện tích 116 ha (đất thuộc dự án VIUT) vào ngày 2/4/2009.

Ngoài ra, theo ông Phát, áp dụng Luật Đất đai năm 2013 cùng với việc thực hiện chỉ đạo của Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM vào năm 2014, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn đã phải làm lại phương án đền bù đất đai trong dự án VIUT. Theo đó, đơn vị này phải quy hoạch lại số hộ được hưởng tái định cư, xác định lại mức đền bù và đối tượng được đền bù đất đai… nên việc dự án chậm tiến độ là điều khó tránh khỏi.

Đường giao thông trong khu đô thị này đọng nước, lầy lội
Đường giao thông trong khu đô thị này đọng nước, lầy lội

Cuối cùng, ông Phát "chốt lại", hiện nay là thời điểm thích hợp để Tập đoàn Berjaya đẩy mạnh việc triển khai thực hiện dự án VIUT. Theo đó, chủ đầu tư sẽ đề nghị UBND TPHCM và BQL Khu đô thị Tây Bắc xem xét tách và giao trước 250 ha đất trong dự án cho chủ đầu tư để phát triển dự án.

“Ngay sau khi được giao đất, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện ngay Khu tái định cư của dự án, nhằm ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực dự án cùng với hạ tầng kỹ thuật trong khu quy hoạch. Dự kiến sẽ triển khai vào quý I/2017. Đối với những hộ dân có đất trong dự án, sau khi giải quyết đền bù chúng tôi sẽ tăng mức hỗ trợ theo đúng luật định nhằm bù đắp thiệt hại cho họ. Chúng tôi cũng cam kết sẽ nhanh chóng triển khai dự án Khu đô thị đại học Quốc tế”, ông Phát nói.

Người dân phải dùng ghe để băng qua kênh An Hạ nhằm tiết kiệm thời gian
Người dân phải dùng ghe để băng qua kênh An Hạ nhằm tiết kiệm thời gian

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, sau nhiều năm được khởi công thì hiện nay dự án VIUT gần như đã trở thành một “ốc đảo” của TPHCM. Hiện tại, nhiều khu đất trong dự án vẫn là những bãi đất cỏ mọc hoang. Giao thông trong khu vực này cũng không hề được nâng cấp và tạo mới. Trong đó, đường giao thông nông thôn song song với đường Đặng Công Bỉnh thì chỉ được đổ một lớp đá lót sơ sài, nhiều chỗ trên tuyến đường này trở thành những vũng nước lớn, bùn đất lầy lội. Việc lưu thông trong khu vực này rất khó khăn, nhất là khi bị ngăn cách với đường Đặng Công Bỉnh, con đường duy nhất có thể thông ra Quốc lộ 22 bởi kênh An Hạ.

Được biết, sự chậm trễ trong khi triển khai dự án này của chủ đầu tư đã khiến hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu đô thị này phải “sống dở chết dở” vì “đi không được, ở không xong”. Bởi lẽ, nhiều người dân có đất nhưng không thể sử dụng cũng không thể bán. Thậm chí nhà cửa dột nát cũng không thể xây mới mà phải “che chắn” tạm thời để sống qua ngày.

Công Quang