1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vingroup hỗ trợ toàn diện startup Việt theo mô hình “Silicon Valley”

(Dân trí) - Ký kết với 54 trường đại học công nghệ hàng đầu Việt Nam, lập VinTech Fund tài trợ tới 10 tỷ đồng/dự án, triển khai mô hình “học kỳ doanh nghiệp”…

Những thông tin được bà Trương Lý Hoàng Phi (Tổng Giám đốc VinTech City – Tập đoàn Vingroup) chia sẻ tại Hội thảo “Giới thiệu chương trình hợp tác Đại học – Hỗ trợ Nghiên cứu ứng dụng và Khởi nghiệp công nghệ” do VinTech City phối hợp với Học viện Bưu Chính Viễn Thông tổ chức ngày 22/5/2019.

Make in Vietnam “kiểu Vingroup”

Bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết, điểm nhấn quan trọng trong hợp tác là Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech Fund sẽ tài trợ cho mỗi đề tài nghiên cứu nếu được duyệt số tiền lên đến 10 tỷ đồng (500.000 USD). Các dự án khởi nghiệp được lựa chọn trên tiêu chí triển vọng tạo ra công nghệ có hàm lượng nghiên cứu, tính sáng tạo, khả năng thương mại hóa cao.

Vingroup hỗ trợ toàn diện startup Việt theo mô hình “Silicon Valley” - 1

CEO VinTech City chia sẻ khát vọng chung tay cùng cộng đồng để tạo ra những sản phẩm “Make in Viet Nam”

Các startup từ trên ghế nhà trường đến những đội ngũ startup “dày dặn kinh nghiệm” đều có cơ hội tham gia các chương trình hỗ trợ toàn diện, nhận tư vấn từ các chuyên gia tầm cỡ quốc tế đang làm việc, cộng tác với Vingroup. Những sự hỗ trợ kịp thời này giúp các dự án triển khai hiệu quả và nhanh chóng được thương mại hoá.

VinTech City đưa ra các hoạt động cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Trong đó Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech Fund hướng đến các nhà nghiên cứu sáng chế, Chương trình tài trợ Lab nghiên cứu; hội thảo sự kiện lớn về xu hướng công nghệ, nghiên cứu ứng dụng và nhân lực công nghệ cho đội ngũ senior và Học kỳ doanh nghiệp, các câu lạc bộ công nghệ và khởi nghiệp cho sinh viên.

Liên quan đến công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, Vingroup đã “đặt hàng” và cam kết tiếp nhận 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ thông tin trong 10 năm tới. Không chỉ dừng ở mức tiếp nhận thực tập hay tuyển dụng sinh viên công nghệ, Vingroup còn tham gia “đồng đào tạo” cùng 54 trường đại học thông qua chương trình Học kỳ doanh nghiệp.

"Chúng tôi cho rằng hợp tác giữa Vingroup và các trường không chỉ là vấn đề đầu ra, mà quan trọng là đào tạo được một sinh viên vừa có chuyên môn vừa có góc nhìn thị trường", Tổng Giám đốc VinTech City nói.

CEO của VinTech City cũng nhắc lại câu chuyện "Make in Vietnam", với ý nghĩa là những sản phẩm sáng tạo được tư duy, tạo ra bởi người Việt Nam, được sản xuất bởi người Việt Nam. Và Vingroup đang chung tay cùng cộng đồng để tạo ra những sản phẩm như vậy.

Hỗ trợ toàn diện theo mô hình Silicon Valley

Silicon Valley Mỹ thành công vang dội là hình mẫu lý tưởng để các quốc gia, trong đó có Việt Nam học tập theo nhiều cách khác nhau. Theo TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ KHCN, để xây dựng các khu công nghệ như Silicon Valley làm “vườn ươm” cho start-up, hay nói cách khác là “nhân bản Silicon Valley tại Việt Nam” cần sự vào cuộc tổng thể từ nhà trường, nhà nước và đặc biệt là sự hợp tác của các doanh nghiệp lớn như Vingroup.

Vingroup hỗ trợ toàn diện startup Việt theo mô hình “Silicon Valley” - 2

Các chuyên gia cùng chung nhận định: nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cùng với một quy trình hỗ trợ hiệu quả sẽ tạo ra những sản phẩm đầu ra xuất sắc

“1 triệu nhân lực chất lượng cao trong ngành CNTT, hay 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030 là những mục tiêu thử thách nhưng mang ý nghĩa truyền cảm hứng, khích lệ tạo động lực phấn đấu của cả hệ sinh thái. Từ đó đặt ra vấn đề nhà trường cần thay đổi chương trình đào tạo thế nào, nhà nước cần chính sách thúc đẩy ra sao. Các tập đoàn lớn như Vingroup sẽ tham gia không chỉ trong vai trò thu hút lao động mà có thể đặt hàng các trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho mình. Mỗi thành tố trong hệ sinh thái đều cần đóng góp”, vị chuyên gia nhận định.

Là nhân tài công nghệ trưởng thành từ Silicon Valley với 25 năm làm kỹ sư và lãnh đạo chiến lược sáng tạo sản phẩm Tập đoàn Microsoft (Mỹ), ông Trương Quốc Hùng, Tổng Giám đốc VinBrain đồng tình với quan điểm cho rằng tận gốc bài toán hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là vấn đề nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, tinh thần khởi nghiệp và những nền tảng hỗ trợ. Trong đó, ông Hùng đặc biệt nhấn mạnh nền tảng hỗ trợ cung cấp các thông tin thị trường, khách hàng.

“Trước tiên, các sản phẩm startup phải giải quyết được bài toán của khách hàng. Đó là sản phẩm mang tính ứng dụng cao, có lợi thế cạnh tranh, mang lại nhiều giá trị cho khách hàng. Các chương trình của VinTech City tham gia cùng các nhà nghiên cứu, startup công nghệ và cả sinh viên công nghệ có định hướng khởi nghiệp từ khi còn trong trường Đại học sẽ giúp những nhà startup đi đúng hướng, thử nghiệm và thương mại hoá nhanh nhất”, ông Hùng cho biết.

Vingroup hỗ trợ toàn diện startup Việt theo mô hình “Silicon Valley” - 3

 Các bạn sinh viên trẻ quan tâm tới chương trình khi nghe thông tin Vingroup hỗ trợ toàn diện startup.

Sự tham gia của Vingroup trong vai trò “đồng đào tạo” được kỳ vọng sẽ có nhiều startup ngay từ trên ghế nhà trường. Cùng với đó, điều quan trọng nhất, VinTech City đặt nhiều kỳ vọng vào lực lượng các nhà khoa học, nhà sáng chế Việt Nam không chỉ trong môi trường của các trường đại học tại Việt Nam mà phải kể đến mạng lưới này trên toàn cầu cùng tham gia vào chương trình. Nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cùng với một quy trình hỗ trợ hiệu quả sẽ tạo ra những sản phẩm đầu ra xuất sắc. Đó chính là nền tảng phát triển sức mạnh và giá trị cho nền kinh tế khởi nghiệp Việt Nam.

VinTech cấp 6 học bổng toàn phần cho sinh viên các nước ASEAN

Vingroup hỗ trợ toàn diện startup Việt theo mô hình “Silicon Valley” - 4

Trong khuôn khổ chương trình VinTech đã cấp 6 học bổng toàn phần cho sinh viên các nước ASEAN

Tại hội thảo, đại diện VinTech City và Học viện Bưu chính Viễn thông đã ký kết trao 6 học bổng toàn phần cho 6 sinh viên các nước ASEAN. Học bổng bao gồm học phí, bảo hiểm y tế và khám sức khoẻ, kí túc xá, chi phí sinh hoạt tháng, vé máy bay khứ hồi và các chi phí hỗ trợ ban đầu phục vụ sinh hoạt và học tập.

Trung Kiên