1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

VinSmart của ông Phạm Nhật Vượng ở đâu trên “bản đồ” smartphone tại Việt Nam?

(Dân trí) - Sau khi Vingroup tuyên bố tập trung vào công nghiệp và công nghệ, mới đây, VinSmart cho biết hãng đã bán ra thị trường nội địa khoảng 600.000 máy, trong đó, thị phần trong tháng 12 đã tăng lên 7,5% so với mức 6% của tháng 11/2019.

Nếu như phần lớn thời gian của năm 2019, cổ phiếu VIC luôn đóng vai trò chi phối đến diễn biến VN-Index thì trong ít phiên gần đây, giao dịch tại VIC tương đối thận trọng.

Sáng 17/1, thị giá VIC giằng co sát ngưỡng tham chiếu và tạm đóng cửa phiên sáng tại mức giá 115.000 đồng.

VinSmart của ông Phạm Nhật Vượng ở đâu trên “bản đồ” smartphone tại Việt Nam? - 1

Thị phần hãng điện thoại của ông Phạm Nhật Vượng tại Việt Nam đang tăng

Tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng gần đây đã tuyên bố tập trung vào mảng công nghiệp và công nghệ (VinFast và VinSmart). Riêng với VinSmart, ông Trần Minh Trung - Phó Tổng giám đốc doanh nghiệp này vừa công bố thông tin cho hay, trong tháng 12/2019, thị phần của hãng điện thoại mới này đã tăng từ mức 6% của tháng 11 lên 7,5% với doanh số 80.000 điện thoại được bán ra.

Đáng chú ý là con số này không bao gồm gần 100.000 máy bán cho B2B (giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp) cho Vinhomes. Tổng số lượng sản phẩm VinSmart bán ra tại thị trường nội địa hiện đạt 600.000 máy kể từ khi ra mắt đến nay.

Sự thiếu vắng thông tin hỗ trợ cùng tâm lý nghỉ Tết đã khiến thanh khoản trên thị trường sụt mạnh trong phiên giao dịch sáng nay (17/1).

VN-Index diễn biến lình xình, tạm đóng phiên sáng với mức tăng 2 điểm tương ứng 0,21% lên 976,31 điểm; trong khi đó, HNX-Index giảm 0,26 điểm tương ứng 0,25% còn 104,05 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,09% còn 55,41 điểm.

Khối lượng giao dịch đạt 92,62 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng giá trị giao dịch 1.796,88 tỷ đồng và trên HNX là 11,94 triệu cổ phiếu tương ứng 138,53 tỷ đồng. Thị trường UPCoM ghi nhận có 3,93 triệu cổ phiếu tương ứng 39,82 tỷ đồng.

Trên toàn thị trường còn tới 1.004 mã cổ phiếu không có giao dịch nào diễn ra. Trong khi đó, chênh lệch tăng - giảm không đáng kể. Nếu bên tăng có 253 mã, 39 mã tăng trần thì bên giảm có 260 mã, 34 mã giảm sàn; ngoài ra còn 154 mã đứng tham chiếu.

Phiên này, VHM, VCB hỗ trợ đáng kể cho VN-Index với mức đóng góp 0,97 điểm mỗi mã. Bên cạnh đó, PLX, MWG, EIB, HPG cũng có tác động tích cực. Chiều ngược lại, MSN, HVN, VRE giảm, tuy nhiên tác động của những mã này đến VN-Index không lớn.

Mặc dù thị trường đang thận trọng bước vào những phiên cuối cùng của năm Âm lịch Kỷ Hợi, tuy nhiên, giới phân tích vẫn có cái nhìn khá lạc quan.

Theo BVSC, sau khi vượt qua vùng kháng cự quanh trọng 969-972 điểm, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự gần 980-985 điểm trong ngắn hạn. Xu thế của thị trường trong thời gian tới cũng có được sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn sau phiên bứt phá ngày hôm nay.

Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh tích lũy để kiểm định vùng điểm vừa bị phá vỡ, đồng thời tạo nền giá mới trước khi tiếp tục quá trình đi lên trong ngắn hạn.

Còn MBS thì nhận xét, thị trường đã có sự đồng thuận để vượt cản thành công với vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng và sự hỗ trợ của thanh khoản. Bên cạnh đó, thông tin tích cực về thỏa thuận thương mại Mỹ–Trung cũng đã hỗ trợ đà tăng.

Tính cả phiên hôm nay thì còn 3 phiên nữa là thị trường đóng cửa nghỉ lễ, lúc này cũng không còn yếu tố kìm hãm thị trường, MBS cho rằng, khả năng thị trường tiếp tục tăng trong khi thanh khoản vẫn ở mức thấp là diễn biến thường thấy giai đoạn trước tết âm lịch.

Mai Chi