1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việt Nam trước “bài toán khó” về quỹ lương hưu

(Dân trí) - Việc sửa đổi quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi nghỉ hưu được cho biết nhằm giúp người lao động có được tích lũy cho tương lai, song lại không nhận được sự ủng hộ. Trong khi đó, mối lo cạn kiệt quỹ hưu trí đang hiện hữu.

Việt Nam trước “bài toán khó” về quỹ lương hưu
Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và phát triển quỹ hưu trí (ảnh minh họa)
 
Tại bài viết đăng tải ngày hôm nay (6/4) trên Bloomberg, hãng tin Mỹ cho biết, Việt Nam có thể sẽ buộc phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới được ban hành sau cuộc đình công của hàng ngàn người lao động diễn ra hồi tuần trước.
 
Theo đó, tuần trước, 4 nhà máy gia công giày da với hơn 90.000 lao động thuộc tập đoàn Pou Chen của Đài Loan đã phải tạm ngừng hoạt động sản xuất do công nhân đình công phản đối Luật BHXH dự kiến có hiệu lực vào đầu năm sau.
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo Luật BHXH mới, người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp BHXH một lần sau khi nghỉ việc mà phải chờ đến tuổi về hưu mới được nhận một lần.
 
Để đảm bảo công nhân tiếp tục hoạt động sản xuất, Chính phủ đã nhất trí với kiến nghị của các Bộ, cơ quan, địa phương nêu trên và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần.
 
Hãng tin Mỹ cho rằng, cuộc đình công của công nhân Pou Chen lần này cho thấy những khó khăn mà Việt Nam đang vấp phải trong nỗ lực thay đổi, cải thiện hệ thống quỹ hưu trí. Theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) nếu không cải cách kịp thời thì Quỹ hưu trí của Việt Nam có thể sẽ âm vào đầu năm 2021 và có nguy bị “vỡ” quỹ vào năm 2034.
 
Giám đốc ILO tại Việt Nam - ông Gyorgy Sziraczki nhận định “Thử thách của Việt Nam nằm ở chỗ, họ sẽ không thể có một Quỹ lương hưu bền vững nếu không có nguồn thu”. Và theo ông Sziraczki thì “Đây là một vấn đề cực kì nan giải”.
 
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mẫu Diệp cho biết, những quy định mới trong Bộ luật BHXH là nhằm khuyến khích người lao động tiết kiệm được nhiều hơn khi về hưu. Theo quy định cũ, người lao động có quyền hưởng BHXH một lần sau khi nghỉ việc và điều này sẽ làm giảm phúc lợi mà họ sẽ được hưởng khi nghỉ hưu sau này.
 
Ông Bùi Sỹ Lợi, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội giải thích “Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là giúp người lao động có một cuộc sống ổn định hơn khi họ ở tuổi hưu trí. Tuy nhiên, nếu họ không muốn có sự thay đổi, chúng tôi có thể xem xét điều chỉnh như cũ và đưa nó vào thành một lựa chọn trong bộ luật mới”.
 
Ông Lợi cho biết, cứ mỗi năm, khoảng nửa triệu lao động quyết định hưởng BHXH một lần. Số lượng cá nhân hưởng trợ cấp BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng lên trong những năm gần đây.
 
Theo ông Sziraczki , hiện rất nhiều công nhân ở các nhà máy xác định công việc của họ là tạm thời và có kế hoạch sử dụng tiền hưu trí thông qua số tiền BHXH được hưởng một lần để phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc giúp đỡ gia đình khi họ trở về quê. Có rất ít những chương trình tín dụng vi mô, cá nhân hỗ trợ họ.
 
Chia sẻ qua điện thoại, ông Dane Chamorro, giám đốc điều hành hãng Tư vấn Kiểm soát rủi ro chi nhánh Đông Nam Á nhận định, trong nỗ lực cải cách, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì “đơn giản là họ không tin tưởng rằng tiền của họ sẽ vẫn còn trong ngân quỹ cho đến lúc chi trả”.
 
Khủng hoảng quỹ hưu trí: Không chỉ Việt Nam
 
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với khủng hoảng quỹ lương hưu. Nhiều quốc gia châu Á khác cũng tồn tại tình trạng tương tự.
 
Trong bản Báo cáo năm 2012 của Ngân hàng Phát triển Châu Á, rất nhiều nước thuộc tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) cũng đang phải đối diện với nguy cơ thâm hụt quỹ Bảo hiểm xã hội trong tương lai.
 
Hàn Quốc, một nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khối OECD yêu cầu doanh nghiệp nước ngày đệ trình kế hoạch chi trả lương hưu cho người lao động, sau khi nước này nhận thấy nguy cơ đổ vỡ quỹ hưu trí năm 2060 khi dân số độ tuổi sau 65 tăng lên gấp 3.
 
Trong khi đó, Đức và Anh dự định tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi từ mức 65 trước đó. Tương tự, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Australia, ông Joe Hockey thậm chí còn muốn tăng tuổi nghỉ hưu lên 70 tuổi, mức cao nhất trên thế giới.
 
Chính phủ Singapore bắt buộc các công ty nước này phải tăng thêm 3 năm làm việc cho những người đến độ tuổi 62, độ tuổi nghỉ hưu chính thức ở nước này và kế hoạch tăng lên 5 năm vào năm 2017.
 
Những nỗ lực nhằm tăng tuổi hưu trí của Việt Nam trong vòng hai năm trước đã không được Quốc hội thông qua.
 
Cũng theo ông Sziraczki, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều thảo luận với nỗ lực cải thiện hệ thống BHXH tự nguyện trở nên hấp dẫn hơn bằng những hỗ trợ tài chính tương xứng, tuy nhiên ý tưởng này không khả thi do gây thâm hụt tài chính.
 
Trong năm 2010, có khoảng 9,3 triệu lao động chiếm 20% lực lượng lao động tham gia BHXH và 62.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
 
Hãng Pou Chen mong muốn 4 nhà máy bị ảnh hưởng bởi đình công sẽ đi vào hoạt động vào tuần này. Một số lao động kiên quyết biểu tình hoặc bỏ việc nếu Chính phủ không có những động thái sửa đổi luật BHXH mới.
 
Anh Lê Văn Tín, một công nhân tham gia đình công khẳng định, “Nếu Chính phủ không thay đổi luật BHXH mới, sẽ có khoảng một nửa số công nhân nhà máy sẽ bỏ việc để hưởng chính sách bảo hiểm cũ trước khi bộ luật mới có hiệu lực”. “Chúng tôi không thể là công nhân nhà máy suốt đời” – người lao động này cho hay.
 
Bích Diệp
Theo Bloomberg
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm