1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Việt Nam sẽ nhập khẩu… đất!

(Dân trí) - Tổng cục Hải quan vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề nghị hoàn thiện các quy trình thủ tục, quy định kiểm dịch để nhập khẩu "đất" trong thời gian tới.

Đây là lần đầu tiên, một mặt hàng nhập khẩu khá đặc biệt và nhạy cảm là "đất" được cơ quan Hải quan yêu cầu hoàn thiện các thủ tục để tiến hành nhập khẩu trong thời gian tới.

Việt Nam sẽ nhập khẩu đất!
Việt Nam sẽ nhập khẩu đất!

Theo Tổng cục Hải quan, hiện trong Luật, Nghị định và Thông tư, "đất" không thuộc danh mục các mặt hàng bị cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện. Tuy nhiên, gần đây khi các doanh nghiệp (DN) yêu cầu cơ quan Hải quan làm các thủ tục cho phép nhập khẩu "mặt hàng đặc biệt" này, thì mới gặp khó ngay trong chính sách, đến trình tự thủ tục.

Theo đó, tại Luật Thương Mại, Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ, Thông tư 04/2015/TT- BNNPTNT ngày 3/9/2015 của Bộ NN&PTNT đều không đề cập đến cấm nhập hoặc nhập khẩu có điều kiện với các loại đất nói chung.

Tuy nhiên, tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 quy định: nhập khẩu đất phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Tại văn bản số 1568, cơ quan Hải Quan nêu rõ những vướng mắc về nhập khẩu đất tập trung chủ yếu vào quy trình nhập và kiểm dịch các loại đất dành cho công nghiệp được nhập khẩu vào Việt Nam như: đất sét, cao lanh, đất chịu lửa, đất sét bentonite...) đã nung hoặc qua xử lý nhiệt. Các loại đất này chủ yếu sử dụng làm hỗn hợp sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, giấy, mỹ phẩm (đất sét bentonite).

Mặc dù những khó khăn và vướng mắc về chính sách mới xuất hiện ở một số loại đất dành cho công nghiệp nói trên nhưng Tổng cục Hải quan khuyến cáo Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về kiểm dịch đối với các loại đất nói chung để quy trình nhập khẩu được thống nhất trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Xi măng và Vật Liệu xây dựng Việt Nam, hiện ngành sản xuất vật liệu xây dựng và xi măng trong nước vẫn sử dụng chủ yếu các loại vật liệu có nguồn gốc trong nước. Trong đó, các làng nghề gốm, các nhà máy sản xuất gạch ốp lát, ngói vẫn chủ yếu sử dụng nguồn đất sét từ trong nước. Các nhà máy sản xuất xi măng trắng sản xuất chưa nhiều mặt hàng này nên nguyên liệu đất sét cao lanh vẫn chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác các mỏ ở trong nước.

Nguyễn Tuyền

Việt Nam sẽ nhập khẩu… đất! - 2