1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Việt Nam nguy cơ mất lợi thế lao động giá rẻ trong nay mai

(Dân trí) - Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4) khiến 5,1 triệu lao động thế giới mất việc do robot, xu hướng "hồi hương" của các nhà máy sản xuất gia công. Lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam sẽ mất đi trong thời gian ngắn.

Theo WEF, thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực lao động việc làm Việt Nam là cơ cấu lao động lạc hậu và trình độ lao động thấp. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy quan hệ tỷ lệ nghịch rất rõ giữa một bên là trình độ và mức lương của công việc và bên kia là nguy cơ bị tự động hóa. Trong khi đó, đa số việc làm ở Việt Nam đều thuộc loại có trình độ tay nghề thấp và dễ bị tự động hóa. Đó là thách thức lớn nhất đối với lao động Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp đã và đang thay đổi nền sản xuất thế giới
Cách mạng công nghiệp đã và đang thay đổi nền sản xuất thế giới

"Thay đổi đột phá trong các mô hình sản xuất và kinh doanh sẽ đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng, tay nghề và cách thức làm việc. Những lĩnh vực có năng suất lao động cao, có nhu cầu lao động cao, đòi hỏi trình độ và kỹ năng mới sẽ có tiền lương tăng cao", ILO chỉ rõ.

Thực tế, tại Việt Nam lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp sẽ có nhiều nguy cơ bị mất việc làm hoặc khó tìm việc làm (do bị thay thế bởi robot). Những doanh nghiệp (DN) sử dụng công nghệ cũ lạc hậu hoặc dựa trên việc sử dụng nhân công trình độ thấp sẽ mất lợi thế cạnh tranh và dần dần bị tụt hậu dẫn đến phá sản.

Theo dự đoán, lao động trong các ngành chế tạo, lắp ráp sẽ được thay thế bằng các công nghệ tự động, in 3D. Sự thay thế này đang được kích thích bởi xu thế già hóa dân số và tăng chi phí lao động ở nhiều nước. Làn sóng đổi mới công nghệ sẽ đồng thời đe dọa đến cả DN và người lao động, hàng trăm DN có thể bị phá sản, hàng triệu việc làm có thể sẽ rơi vào tay các robot hay các cỗ máy thông minh.

WEF dự báo từ 2015-2020, sẽ có trên 5,1 triệu lao động trên thế giới bị mất việc làm do những biến động đột phá của thị trường lao động. Tháng 5/2016, Foxconn, công ty của Đài loan chuyên lắp ráp thiết bị cho Apple đã tuyên bố trên tờ Bưu điện buổi sáng Nam Trung Hoa rằng sẽ dùng robot AI để thay thế cho 60.000 lao động lắp ráp .

Tại Việt Nam, WEF cho rằng, CMCN 4 chắc chắn sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của lao động giá rẻ. Lao động tay nghề thấp, làm trong những những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giầy, lắp ráp điện tử, chế biến thủy hải sản, dịch vụ bán lẻ..., nơi có số lượng doanh nghiệp và số lao động đang làm việc đông, sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot.

PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP. HCM cho hay: Thách thức đối với hệ thống đào tạo và dạy nghề dẫn đến tăng nhanh nhu cầu sử dụng lao động tay nghề cao, trong khi khả năng đáp ứng của hệ thống đào tạo và dạy nghề còn rất hạn chế.

"CMCN4 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, như phải tích lũy nền tảng khoa học công nghệ và nhiều công nghệ sản xuất mang tính đột phá. Nghiên cứu và phát triển trở thành chìa khóa quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội... Vấn đề lớn về giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường, thêm vào đó, cuộc CMCN4 diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh chắc chắn sẽ đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu hơn nữa trong phát triển so với thế giới và rơi vào thế bị động trong đối phó với những mặt trái của cuộc cách mạng này", PGS.TS Thành Đạt nêu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện những động lực chính của cuộc cách mạng công nghiệp đang làm thay đổi kỳ vọng của người tiêu dùng, cùng với sự hội tụ của các công nghệ mới như IoT, robot cộng tác (cùng làm với người), in ấn 3D và điện toán đám mây. Sự xuất hiện các mô hình kinh doanh mới sẽ thay đổi cả nền sản xuất, cung ứng, dịch vụ thành thói quen thương mại của thế giới.

Xu hướng “hồi hương” của các nhà máy gia công lắp ráp, các công đoạn hạ nguồn có thể trở thành xu hướng phổ biến trong thời gian tới. Những thay đổi mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dẫn tới sự suy giảm hoạt động sản xuất, xuất khẩu của phần lớn các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam hiện nay.

Hiện, theo các đánh giá năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2015 (giá hiện hành) ước tính đạt 79,3 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.657 USD/lao động). Với giá so sánh năm 2010, năng suất lao động của Việt Nam năm 2015 đã tăng 6,4% so với năm 2014, bình quân giai đoạn 2006-2015 tăng 3,9%/năm, trong đó giai đoạn 2006-2010 tăng 3,4%/năm; giai đoạn 2011-2015 tăng 4,3%/năm. Năng suất đã tăng nhưng tốc độ tăng còn khá chậm, chưa thu hẹp được với tốc độ và trình độ của năng suất lao động của ASEAN.

Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong CMCN lần thứ 4 chỉ rõ: CMCN lần thứ 4 đang diễn ra ở quy mô toàn cầu với sự kết hợp của tất cả các ngành công nghiệp với thế giới kỹ thuật số, do đó sẽ có một số tác động cả tích cực và tiêu cực đến hoạt động đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt vào các ngành công nghệ cao.

Việt Nam cũng có thể thu hút đầu tư nước ngoài và cả đầu tư trong nước vào lĩnh vực phát triển các công nghệ và ứng dụng kỹ thuật số vào công nghiệp, cho phép Việt Nam trực tiếp tham gia vào cuộc CMCN 4. Kỷ nguyên CMCN mới với sự gia tăng của năng suất sẽ mang lại triển vọng tích cực về tăng trưởng cũng như lợi nhuận, qua đó dẫn tới nhu cầu áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, góp phần thu hút đầu tư trong nước.

Nguyễn Tuyền