1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Việt Nam gần "bét bảng" ASEAN về phát triển nguồn nhân lực

(Dân trí) - Trong khối ASEAN, Việt Nam nằm ở nửa cuối của bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực. Một trong số những vấn đề khó giải quyết nhất cho việc kinh doanh tại Việt Nam là lực lượng lao động không được đào tạo đầy đủ.

Việt Nam gần bét bảng ASEAN về phát triển nguồn nhân lực
Theo vị đại diện EuroCham, trong khối ASEAN, Việt Nam nằm ở nửa cuối của bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - Tomaso Andreatta phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp 2015 mới đây cho biết: "Việt Nam có một lực lượng lao động đầy tiềm năng, tuy nhiên, nếu Việt Nam muốn hướng tới các ngành kinh tế kỹ thuật và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn thì cần có lực lượng lao động được đào tạo một cách phù hợp”.

Theo vị đại diện EuroCham, trong khối ASEAN, Việt Nam nằm ở nửa cuối của bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực.
 
Trong một cuộc khảo sát của Báo cáo Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2014-2015, hơn 10% số người được yêu cầu chọn 5 vấn đề khó giải quyết nhất cho việc kinh doanh tại Việt Nam xác định rằng, lực lượng lao động không được đào tạo đầy đủ là một trong những vấn đề chính. 

"Vấn đề này được nêu lên bởi các thành viên của chúng tôi làm việc trong các lĩnh công nghệ thông tin, du lịch và khách sạn. Trong cả hai lĩnh vực này, việc cải thiện giáo dục và đào tạo có thể đem lại mức tăng trưởng cao hơn và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam ở cấp độ khu vực”, ông Tomaso nói.

Theo ông Tomaso, hai vấn đề khác liên quan đến nguồn nhân lực là các quy định khá chặt chẽ về làm thêm giờ ở Việt Nam và các thủ tục hành chính nặng nề cũng như các điều kiện nghiêm ngặt đối với người nước ngoài để làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Việc tăng giới hạn giờ làm thêm và khuyến khích cho thuê lại lao động có thể tích cực góp phần vào khả năng cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam, trong khi đó việc tạo điều kiện cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ giúp chuyển giao tri thức và đào tạo lực lượng lao động Việt Nam tốt hơn.

Đánh giá về vấn đề lao động tại Việt Nam, ÔngTrần Anh Vương - Phó Chủ tịch Diễn đànDoanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 thì cho rằng, mặc dù Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 2013 đã trao quyền tự chủ cho các trường, song đến nay sau 2 năm hầu hết các trường đại học công lập vẫn chưa có nhiều đổi mới với chính sách này.

Theo ông Vương, dưới góc nhìn của các doanh nghiệp, đào tạo đại học và dạy nghề là hai nguồn chính đầu vào cho nhân lực của doanh nghiệp. Tuy có đã có những chuyển biến nhất định trong việc nâng cao kỹ năng và năng lực của sinh viên mới tốt nghiệp, tuy nhiên tốc độ chưa đạt được như kỳ vọng, chất lượng đầu ra còn hạn chế. 

"Phần lớn các sinh viên ra trường không có khả năng bắt tay vào công việc mà chính họ đã được đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực như vậy sẽ dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam không thể đi lên và kéo theo khả năng cạnh tranh về yếu tố lao động sẽ bị giảm”, ông Vương nói.

 Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”