1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện về kinh tế

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - khẳng định: “Điểm nhấn quan trọng về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua là đã nỗ lực hoàn tất cơ bản các cam kết quốc tế có thời hạn thực thi trong giai đoạn 2015-2020.”.

Chiều ngày 3/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, nhằm đánh giá đa chiều về tình hình kinh tế trong và ngoài nước.

Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện về kinh tế - 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Thời gian qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai trong bối cảnh hệ thống thương mại đa phương và một số liên kết kinh tế khu vực đang đối mặt với không ít khó khăn. Các diễn đàn đa phương có sự tham gia của một số siêu cường kinh tế như WTO, Liên hợp quốc, APEC, G20, G7...  bộc lộ không ít bất đồng trong việc tìm tiếng nói chung. Vai trò của các thể chế đa phương và luật lệ, quy định thương mại quốc tế phổ cập (đặc biệt là WTO) có phần suy giảm.

Nổi bật là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung từ năm 2018 đến nay, tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành chủ đề chính tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) Papua New Guinea 2018, đây là lần đầu tiên lãnh đạo các nền kinh tế APEC không ra được Tuyên bố chung.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, coi hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại là xu thế tất yếu khách quan của thời đại.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, năm 2020 Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là hoạt động đối ngoại cấp khu vực, nhưng có giá trị và ảnh hưởng tầm quốc tế. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đảm đương tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN cùng với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 là những bước đi quan trọng hiện thực hóa Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”.

Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện về kinh tế - 2
Phiên họp của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, chiều 3/6

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tác động của việc thực thi Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam. Ông Hải thông tin, trong số 10 đối tác CPTPP thì có 3 nước thuộc khu vực châu Mỹ mà Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ FTA là Canada, Mexico, Peru. Trong 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada và Mexico có sự gia tăng đáng kể, số lượng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) được cấp chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số C/O đã cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP.

Cũng đề cập tới Hiệp định CPTPP, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, đây là Hiệp định sâu rộng và phức tạp bậc nhất thế giới. Các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động rà soát để đề xuất kiến nghị sửa đổi pháp luật trong ngành, lĩnh vực mà mình quản lý, nhất là các quy định tạo cơ sở pháp lý để khai thác lợi ích, kiểm soát các rủi ro pháp lý từ thực hiện CPTPP. 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - khẳng định: “Điểm nhấn quan trọng về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua là đã nỗ lực hoàn tất cơ bản các cam kết quốc tế có thời hạn thực thi trong giai đoạn 2015-2020.”.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cùng ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 và hướng tới tầm nhìn 2025; thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đàm phán, ký kết và thực thi các FTA với các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu (trọng tâm là Liên bang Nga), phê chuẩn và thực thi Hiệp định CPTPP, kết thúc rà soát pháp lý FTA với Liên minh châu Âu (EU); nỗ lực để sớm hoàn tất đàm phán một số hiệp định khác như RCEP, FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).

Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện về kinh tế - 3
Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện về kinh tế

Về phương hướng hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh phương châm hành động là nâng tầm, toàn diện, sâu rộng, hiệu quả. Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo về các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế, theo dõi tình hình kinh tế thế giới với những tác động tới Việt Nam.

Châu Như Quỳnh