1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Việt Nam ảnh hưởng gì trước thay đổi kinh tế Trung Quốc?

Sự điều chỉnh của kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Mới đây, Báo cáo bổ sung giải trình dự thảo kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kế hoạch 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra cụ thể những điều này.

Việt Nam ảnh hưởng gì trước thay đổi kinh tế Trung Quốc? - 1

Cơ hội trước dòng vốn FDI dịch chuyển

Theo Bộ KH-ĐT, những thay đổi lớn của nền kinh tế Trung Quốc thời gian qua, như: sự phá giá đồng Nhân dân tệ và sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã có tác động nhất định đến nền kinh tế nước ta.

Về tác động tích cực, việc đồng Nhân dân tệ mất giá có làm giảm chi phí đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, nhờ đó sản xuất trong nước có điều kiện hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo chỉ ra, giá cả các mặt hàng cơ bản trên thị trường thế giới sẽ giảm do nhu cầu từ Trung Quốc yếu đi sẽ tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào sản xuất của Việt Nam. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ khiến cho các nhà đầu tư tư nước ngoài đánh giá lại cơ hội đầu tư và chuyển hướng sang các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao hơn như Việt Nam.

Theo đó, dòng vốn FDI đã vào Trung Quốc cũng có thể sẽ dịch chuyển sang Việt Nam để tận dụng tiềm năng tăng trưởng cao, giá nhân công rẻ hơn và nhiều cơ hôi đang mở ra trước mắt khi Việt Nam chuẩn bị ký kết hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Báo cáo cũng nêu rõ, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng có thể có ảnh hưởng tích cực từ diễn biến trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Những biến động của thị trường chứng khoán Trung Quốc mới đây có thể dẫn đến sự chuyển đổi danh mục đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc và các nhà đầu tư quốc tế trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Theo đó, một phần dòng vốn đầu tư tại thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các thị trường chứng khoán khác, trong đó có Việt Nam.

Lo ngại nhập siêu

Bên cạnh những tác động tích cực thì nhiều tác động mang tính tiêu cực từ sự thay đổi kinh tế Trung Quốc cũng sẽ gây khó khăn cho kinh tế Việt Nam.

Báo cáo cho hay, kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc giảm, xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng nông sản và nguyên liệu khoáng sản.

“Đây là một bất lợi lớn đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là mặt hàng nông sản do mặt hàng này khó chuyển dịch thị trường nếu không xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Do đó sẽ tác động tiêu cực tới ngành nông nghiệp và thu nhập của nông dân” – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch – Đầu tư lo ngại khi đồng Nhân dân tệ phá giá, nhập khẩu nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu có khả năng sẽ tăng mạnh hơn, gây áp lực tăng nhập siêu. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở bởi Việt Nam nhập khẩu những mặt hàng này từ Trung Quốc khá lớn.

Chưa hết, báo cáo còn cho rằng, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc còn có thể dẫn đến nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này sẽ giảm mạnh. Đồng thời, tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại cũng gián tiếp tác động làm giảm tăng trưởng và thương mại toàn cầu; qua đó tạo sức ép làm giảm giá dầu thô. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách Việt Nam.

Giải pháp để khắc phục những bất lợi này là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kết hợp với chính sách tài khóa, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, hình thành các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu làm đầu mối cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, như: dệt may, da giày, sản phẩm nhựa, điện tử, cơ khí…

Theo Hoàng Long
Một Thế giới

Việt Nam ảnh hưởng gì trước thay đổi kinh tế Trung Quốc? - 2