1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Viện KSND yêu cầu kiểm tra vụ không khởi tố lãnh đạo Vinaconex vì "vi phạm lần đầu"

(Dân trí) - Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa có chỉ đạo xem xét vụ việc “không khởi tố lãnh đạo Vinaconex” liên quan vụ án "vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" làm 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà, gây ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hộ dân.


Đường ống nước sông Đà vỡ 18 lần (ảnh minh hoạ).

Đường ống nước sông Đà vỡ 18 lần (ảnh minh hoạ).

Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao cho rằng: "Việc không khởi tố các đối tượng này không được dư luận đồng tình và tạo ra tiền lệ xấu khi xử lý các vụ án tương tự".

Do đó, Lãnh đạo VKSND tối cao yêu cầu Vụ 3 VKSND tối cao kiểm tra lại vụ án trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.

Trước đó, ngày 31/5, TAND thành phố Hà Nội đã trả hồ sơ vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” làm 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà để yêu cầu làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân nguyên là thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex và lấy lời khai của nguyên đơn dân sự là đại diện Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex.

Ngày 15/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an có kết luận điều tra bổ sung đã xác định: Sau 18 lần vỡ đường ống nước Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex đã phải bỏ ra 13,4 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa, 177.000 hộ dân không được cấp nước trong thời gian 343 giờ, lượng nước không được cấp là 1,5 triệu m3.

Doanh nghiệp khai thác dự án phải đầu tư thêm số tiền hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng khẩn cấp thêm một đường ống mới. Thiệt hại là đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài 9 bị can đã khởi tố, Cơ quan điều tra cũng xác định một số thành viên hội đồng quản trị của công ty là các ông: Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT (sau này là Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), Nguyễn Văn Tuân, Tổng Giám đốc, Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chăm là các thành viên HĐQT có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, quyết định thay đổi vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực đã gây nên hậu quả như trên là có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng, những người này vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, không có vụ lợi nên không ai bị khởi tố.

Về việc này, theo ý kiến của rất nhiều Luật sư như: Luật sư Trương Thanh Đức, Trần Đình Triển, Nguyễn Văn Nam, Đinh Văn Quế… và chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì việc không khởi tố các ông này là bỏ lọt tội phạm vì tất cả các lý do trên chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi xử lý.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO từng nói: "Tôi cho rằng vẫn cần khởi tố hình sự trong vụ việc này. Các lý do như người có công với cách mạng, nhân thân tốt hay có đóng góp cho ngành, không vụ lợi... thì chỉ nên là các tình tiết giảm nhẹ được đưa ra tại toà án khi mang đi xét xử", ông Đức nói.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh, trong về vấn đề này cũng cần mời các luật sư tham gia phát biểu ý kiến bởi vì đã vỡ đường ống hơn 10 lần, tác động tiêu cực đến đời sống của vài trăm nghìn hộ dân và còn lặp đi lặp lại nhiều lần. Một việc như vậy mà không có thái độ nghiêm túc, không xử lý thì sẽ gây ra tiền lệ xấu.

"Như vậy, doanh nghiệp cứ tiếp tục gây ra những tai họa tới người dân mà không chịu trách nhiệm gì tới pháp luật. Về việc này cần mời luật sư tham gia ý kiến và đề nghị cần có điều tra trách nhiệm hình sự. Đối chiếu theo luật hình sự, những trường hợp sai phạm gây tác động nghiêm trọng cần có truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo tôi trước hết phải khởi tố đã", ông Doanh nói.

Phân tích dưới góc độ quy định pháp luật, LS Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, việc cơ quan tố tụng xác định, ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cùng 3 thành viên HĐQT có dấu hiệu tội phạm nhưng khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu nên không xem xét trách nhiệm hình sự là không có cơ sở.

Là luật sư tham gia bảo vệ cho 1 bị cáo trong vụ án này kể từ giai đoạn kết thúc điều tra, LS Trần Đình Triển (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: "Vụ án này đã đi ngược lại khi người thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với Vinaconex thì bị truy tố; lãnh đạo Vinaconex làm sai dự án, thi công, kỹ thuật… và trái pháp luật thì bỏ ra ngoài vụ án với lý do như là “nhân thân tốt”. Theo quy định của pháp luật thì nhân thân tốt chỉ là một tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình; nếu đây trở thành án lệ thì mọi tội phạm mà có nhân thân tốt thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hay sao?".

Phương Dung