1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xét xử phúc thẩm vụ án PCD:

Việc buộc BIDV hoàn trả số tiền 1.633 tỷ đồng sẽ gây xáo trộn, rủi ro cho hoạt động ngân hàng

(Dân trí) - Hôm nay (19/12), phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM xử vụ bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB, tiền thân là TrustBank, nay là CB), cùng đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bước vào phần nghị án, chủ tọa thông báo ngày 25/12 tới tòa sẽ tuyên án.


Theo ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức thì việc buộc BIDV hoàn trả số tiền 1.633 tỷ đồng sẽ gây xáo trộn, rủi ro cho hoạt động ngân hàng

Theo ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức thì việc buộc BIDV hoàn trả số tiền 1.633 tỷ đồng sẽ gây xáo trộn, rủi ro cho hoạt động ngân hàng

Liên quan đến vụ việc, với yêu cầu của Viện kiểm soát về việc buộc BIDV hoàn trả số tiền 1.633 tỷ đồng, Luật sư Trương Thanh Đức - Thành viên Ban chủ nhiệm (nguyên chủ nhiệm) câu lạc bộ Pháp Chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng VN) – Trọng tài viên VIAC - Thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN & Luật Đầu tư - Thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Bộ Tư pháp - Uỷ viên Ban chấp hành Hội các nhà quản trị VN - Thành viên thường trực Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế & pháp luật - có ý kiến cho rằng việc này sẽ gây xáo trộn, rủi ro cho hoạt động ngân hàng, cụ thể:

Các khoản vay đã được các Chi nhánh BIDV tất toán từ 2013. Tại thời điểm trước khi tất toán, các khoản vay này đều được bảo đảm bằng các bất động sản có giá trị lớn của khách hàng vay và của bên thứ ba (các giao dịch bảo đảm tiền vay đã được thực hiện các thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất cho BIDV), tổng giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn tổng giá trị khoản vay.

Do khách hàng vay đã trả được nợ, nên các Chi nhánh BIDV đã thực hiện giải chấp các tài sản bảo đảm này theo đúng quy định. Nếu thu hồi số tiền BIDV đã thu nợ hợp pháp thì khôi phục như thế nào các quyền, quyền lợi dân sự của BIDV đối với khách hàng vay (quyền đòi nợ) và quyền của bên nhận thế chấp đối với các tài sản bảo đảm. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của BIDV mà còn kéo theo rất nhiều những hệ lụy của các giao dịch liên quan đến các khách hàng vay và tài sản bảo đảm sau khi được giải chấp.

Việc đặt vấn đề xem xét tính hợp pháp của nguồn trả nợ sẽ làm thay đổi bản chất của quan hệ tín dụng, khi đó bất cứ việc thu hồi nợ nào của các ngân hàng từ khách hàng cũng đòi hỏi phải chứng minh nguồn tiền trả nợ là hợp pháp.

Đây là vấn đề không thể thực hiện được cả về lý thuyết và thực tiễn. Phán quyết thu hồi số tiền ngân hàng đã thu nợ hợp pháp, ngay tình sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở lớn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, không đảm bảo quyền và lợi ích của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng tranh chấp đối với các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại hợp pháp đang được vận hành bình thường và làm xáo trộn môi trường kinh doanh, giảm sút niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng, nhất là tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ không an tâm hoạt động, ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư, kinh doanh và việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Như tất cả các Ngân hàng khác được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và tín dụng cho khách hàng theo Luật các TCTD, các Chi nhánh BIDV đã tuân thủ các quy định của pháp luật khi thu nợ của 2 Công ty trên cơ sở hoàn toàn trung thực và ngay tình.

Do đó, nếu thu hồi các khoản tiền đã thu nợ hợp pháp, hợp lệ, theo đúng thông lệ quốc tế và thông lệ thị trường nhất là khi khoản nợ đó đã được tất toán từ nhiều năm trước sẽ gây xáo trộn thị trường tài chính tín dụng, đặc biệt sẽ cản trở hoạt động thu hồi nợ của các TCTD, gây thiệt hại cho các TCTD khi mà các cán bộ ngân hàng có tâm lý e ngại vì sợ “thu nợ sai”, hoặc “sẽ không thu nợ vì không biết được nguồn gốc sâu xa của khoản tiền đó” trong khi rõ ràng, pháp luật không quy định và thực tế không thể và không buộc phải biết nguồn gốc của số tiền thu nợ đó. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đang yêu cầu các ngân hàng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Về phía BIDV, theo quy định pháp luật và thông lệ, các khoản tiền thu nợ đã được tổng hoà chung vào nguồn vốn hoạt động chung của ngân hàng và BIDV đã thực hiện phân bổ theo các cấu phần thu nhập, chi phí, nộp thuế theo quy chế tài chính, đã được thực hiện hạch toán kế toán theo đúng quy định của pháp luật kế toán và đã ghi nhận tại các Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm (do các Công ty kiểm toán độc lập quốc tế có uy tín và Kiểm toán Nhà nước thực hiện) đảm bảo tính khách quan và công khai minh bạch quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu phải trả lại số tiền đã thu nợ thì việc giải quyết hệ quả của các giao dịch, hạch toán nêu trên là rất khó có phương án giải quyết.

Nếu yêu cầu trả lại số tiền đã thu nợ, thì Toà án đồng thời cũng phải tuyên khôi phục lại các giao dịch thế chấp bảo đảm tiền vay cho BIDV. Nếu không làm được như vậy, thì sẽ gây ra tình trạng nghịch lý "oan sai" chồng chất vô cùng bất hợp lý.

Không thể đặt ra vấn đề thu hồi số tiền mà ngân hàng đã thu nợ trong trường hợp này, vì không giải đáp được hậu quả pháp lý rất nghiêm trọng; đặc biệt, không thể buộc BIDV phải chịu trách nhiệm với VNCB khi lỗi đó không xuất phát từ BIDV.

Q.Anh