1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vì Việt Nam hùng cường: “Đừng chỉ nhìn áo vest của doanh nhân, đằng sau đó là nước mắt”

(Dân trí) - “Đừng chỉ nhìn tấm áo vest của doanh nhân, đằng sau đó là mồ hôi, nước mắt. Chúng ta thức khuya để cổ vũ bóng đá, liệu chúng ta có làm việc cật lực để giúp doanh nghiệp đạt tấm huy chương vàng về kinh tế", một chuyên gia kinh tế phát biểu tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp.

Vì Việt Nam hùng cường: “Đừng chỉ nhìn áo vest của doanh nhân, đằng sau đó là nước mắt” - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu

Sáng nay, 23/12, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”.

Đây là cuộc đối thoại lần thứ 3 với doanh nghiệp kể từ thời điểm Thủ tướng nhậm chức năm 2016.

Hội nghị này diễn ra với quy mô cả nghìn đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp. Theo quan sát của PV, hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia - nơi tổ chức sự kiện - chật kín.

Vì Việt Nam hùng cường: “Đừng chỉ nhìn áo vest của doanh nhân, đằng sau đó là nước mắt” - 2

Cuộc đối thoại lần thứ 3 với doanh nghiệp kể từ thời điểm Thủ tướng nhậm chức năm 2016. Ảnh: N.M.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế vì chính khu vực này là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu, là nơi sáng tạo mạnh mẽ nhất, là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.

“Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Điểm lại những chỉ tiêu kinh tế nổi bật đã đạt được năm qua, Thủ tướng cho biết, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư kỷ lục hơn 9 tỷ USD. Lần đầu tiên Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu 2 chiều ở mốc trên 500 tỷ USD.

Ngoại hối dự trữ chưa từng có, một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thâm hụt, nợ công giảm đáng kể, Thủ tướng cho hay.

Trong quá trình đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong mối tương quan với vai trò nhà nước.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của nhà nước, ngược lại sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có phần trách nhiệm của nhà nước.

“Với tinh thần đồng hành với doanh nghiệp, Chính phủ sẽ không ngừng tìm cách giảm rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro của cơ chế chính sách và sự nhũng nhiễu của bộ máy hành chính”, Thủ tướng khẳng định.

Có một Việt Nam hùng cường năm 2045

Tham dự hội nghị với tham luận mang tên “Có một Việt Nam hùng cường 2045”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright bày tỏ niềm tin mạnh mẽ với mục tiêu Việt Nam hùng cường.

Ví von doanh nhân như “vận động viên" nỗ lực giành tấm huy chương như các cầu thủ bóng đá, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, sau bất kỳ sự hào nhoáng của tấm huy chương nào cũng là “nước mắt, mồ hôi".

“Đừng chỉ nhìn tấm áo vest của doanh nhân, đằng sau đó là mồ hôi, nước mắt để giành tấm huy chương kinh tế. Chúng ta thức khuya để cổ vũ bóng đá, liệu chúng ta có làm việc cật lực để giúp doanh nghiệp đạt tấm huy chương vàng về kinh tế như cách chúng ta cổ vũ cho đội bóng hay không?”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này nêu một thực tế, nhiều cán bộ lãnh đạo trăn trở với đối với sự phát triển doanh nghiệp.

“Nhưng còn rất nhiều nơi các sở ngành còn vô cảm, thờ ơ với doanh nghiệp, chưa xem sự khó khăn của doanh nghiệp là sự khó khăn của mình", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Trong bài phát biểu trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao.

Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó: năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%

Tuy tăng mạnh về số lượng song theo ông Dũng, khu vực DNNVV đang đứng trước những thách thức quan trọng. Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp cỡ vừa.

“Hiện tượng thiếu vắng doanh nghiệp cỡ vừa này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các doanh nghiệp tư nhân chính thức. Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong 2-3 năm gần đây, số lượng doanh nghiêp lớn của Việt Nam vẫn còn tương đối ít với khoảng 17 ngàn doanh nghiệp được xếp hạng là quy mô lớn tính đến cuối năm 2018”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Cũng theo vị này, đối với các doanh nghiệp lớn, mặc dù được xếp hạng là doanh nghiệp lớn, nhưng quy mô trung bình của các doanh nghiệp lớn trong khu vực tư nhân của Việt Nam cũng nhỏ bé hơn rất nhiều so với mức trung bình tại các quốc gia trong khu vực.

Nguyễn Mạnh

Vì Việt Nam hùng cường: “Đừng chỉ nhìn áo vest của doanh nhân, đằng sau đó là nước mắt” - 3