1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vì sao Lạng Sơn phải quản chặt “đội lái xe chuyên trách” chở hàng sang Trung Quốc?

Theo đề nghị của phía Trung Quốc, Lạng Sơn thành lập “Đội lái xe chuyên trách” vận chuyển hàng hóa sang bên kia biên giới. Cũng từ đây, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, khiến DN và dư luận quan tâm.

Vì sao Lạng Sơn phải quản chặt “đội lái xe chuyên trách” chở hàng sang Trung Quốc? - 1

Kể từ ngày 26/4, các lái xe "Đội chuyên trách" được một tổ công tác của tỉnh Lạng Sơn theo dõi, giám sát việc thỏa thuận giá dịch vụ lái xe qua biên giới Việt- Trung .Ảnh: Duy Chiến

Gần đây, dư luận dấy lên sự việc, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) xảy ra hiện tượng một số tài xế trong “Đội chuyên trách” thông qua trung gian ép chủ hàng tiền thuê điều khiển phương tiện từ bãi Xuân Cương trên địa bàn cửa khẩu Hữu Nghị sang bãi kiểm hóa Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) với giá trên 10 triệu đồng/lượt, cao gấp đôi, gấp ba giá quy định.  

Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã triệu tập cuộc họp với các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và một số lái xe chuyên trách tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị để làm rõ vấn đề.

Báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (Ban Quản lý KKTCK) và kết quả điều tra của Phòng Kinh tế, Công an tỉnh công bố tại cuộc họp đã khẳng định: Không có việc lái xe chèn ép như “cướp cạn” chủ hàng.

Tuy nhiên có trường hợp lái xe thu tiền công của chủ hàng hơn 10 triệu đồng/lượt vận chuyển xe hàng xuất khẩu qua Trung Quốc. Nhưng đây hoàn toàn là thoả thuận dân sự giữa lái xe và chủ hàng, các lái xe không nộp lại phần nào cho các lực lượng chức năng tại cửa khẩu. Và số tiền công cao hay thấp phụ thuộc vào số ngày xe hàng xuất khẩu xong bên phía Trung Quốc.

Vì sao Lạng Sơn phải quản chặt “đội lái xe chuyên trách” chở hàng sang Trung Quốc? - 2

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo việc quản lý, điều hành của lực lượng chức năng tại cửa khẩu để vừa chống dịch COVID-19 vừa thông thương hàng hóa qua biên giới. Ảnh: Duy Chiến

Vì sao Lạng Sơn phải quản chặt “đội lái xe chuyên trách” chở hàng sang Trung Quốc? - 3

Đại diện công an tỉnh Lạng Sơn cho biết sẽ vào cuộc điều tra dư luận cho rằng có hiện tượng "Cướp cạn" tại cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc). Ảnh: Duy Chiến

Vì sao Lạng Sơn phải quản chặt “đội lái xe chuyên trách” chở hàng sang Trung Quốc? - 4

Các thành viên "Đội lái xe chuyên trách" phải tuân thủ sự kiểm tra y tế cũng như chịu sự quản lý, giám sát của tổ công tác của tỉnh trong việc thỏa thuận giá dịch vụ vận chuyển hàng sang Trung Quốc. Ảnh: Duy Chiến

Có mức giá cao hơn 10 triệu đồng là do khi Đội lái xe chuyên trách được thành lập, các lái xe và chủ hàng đã có hiệp thương với mức giá cụ thể là: lái xe được phép thu cao nhất là 5 triệu đồng trong 2 ngày đầu, thêm 2 triệu đồng trong ngày thứ 3 và từ 1,5 triệu đồng từ ngày thứ 4. Do vậy, nếu xe hàng phải ở bên bãi Trung Quốc từ 5 ngày trở lên mới xuất khẩu xong hàng thì tổng phí sẽ từ 10 triệu đồng trở lên, đồng nghĩa với việc mức phí vẫn chưa vượt khung đã hiệp thương.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý đội lái xe chuyên trách, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý KKTCK thành lập Tổ công tác chuyên trách quản lý, vận hành Đội lái xe chuyên trách điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) gồm các thành viên: cán bộ Ban Quản lý KKTCK, bộ đội biên phòng, hải quan, cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế và nhân viên Công ty TNHH Xuân Cương.

Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban QLKTCK Đồng Đăng- Lạng Sơn cho biết: “Ngoài việc yêu cầu phải thực hiện đúng các cam kết chấp hành nghiêm túc giá trần đã hiệp thương, thực hiện nghiêm quy định kiểm dịch, cách ly y tế phòng chống dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu, 314 lái xe trong đội lái xe chuyên trách sẽ luôn được giám sát chặt chẽ bởi tổ quản lý điều hành của Ban QLKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu.

Việc thỏa thuận tiền công vận chuyển sẽ thực hiện bằng việc niêm yết công khai họ tên, tuổi lái xe, số điện thoại cùng các quy định về mức giá trần tối đa mà doanh nghiệp và lái xe tự thỏa thuận chi trả tại điểm giao dịch.

“Việc thỏa thuận cũng phải được cụ thể hóa bằng văn bản để làm căn cứ cho việc điều động lái xe trong đội chuyên trách thực hiện việc vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu. Trường hợp phát hiện các tổ chức cá nhân vi phạm sẽ bị lập biên bản xử lý nghiêm”, ông Tiến nói.

Theo Nguyễn Duy Chiến

Tiền Phong