1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vì sao công nhân tại Trung Quốc hay "nổi loạn"?

(Dân trí) - Những năm gần đây số lượng các vụ công nhân đình công và bạo loạn tại Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt mà vụ việc tại nhà máy lắp ráp iPhone 5 của Foxconn chính là điển hình. Vì sao người lao động Trung Quốc lại có những hành động như vậy?

Sau 24 giờ phải tạm dừng sản xuất để ổn định tình hình, nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử, trong đó có iPhone 5 của Foxconn đã trở lại hoạt động trong ngày 26/9. Theo số liệu do nhà sản xuất này công bố có 40 người đã bị thương. 
Cảnh tượng hỗn loạn tại nhà máy Foxconn trong vụ nổi loạn
Cảnh tượng hỗn loạn tại nhà máy Foxconn trong vụ nổi loạn

Vụ việc một lần nữa cho thấy căng thẳng đang ngày càng gia tăng tại các nhà máy của Trung Quốc trong bối cảnh kinh kế giảm sút còn các công ty không đáp ứng được yêu cầu về lương bổng và điều kiện làm việc của công nhân. Tính đến hết quý 2, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 7,6% so với cung kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính tòan cầu.

Theo số liệu của China Labour Bulletin, cơ quan chuyên theo dõi các vụ đình công, biểu tình của lao động Trung Quốc số lượng vụ việc đang xảy ra ngày một nhiều. Trong 8 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng ở Trung Quốc có 29 vụ đình công, biểu tình, tăng gần gấp 3 so với mức trung bình 11 vụ/tháng của năm trước. 

Để cắt giảm chi phí nhân công, ngày càng nhiều công ty, trong đó có Hon Hai (công ty mẹ của Foxconn) rời nhà máy tới các tỉnh nằm sâu trong nội địa, nơi có chi phí thấp hơn các tỉnh duyên hải. Tuy nhiên lớp công nhân nhập cư đầu tiên, những người bắt đầu làm việc tại các nhà máy khoảng một thập kỷ trước đang ngày càng hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình và sẵn sàng đấu tranh. 

Thế hệ công nhân thứ hai lại là những người trẻ hơn và được giáo dục tốt hơn. “Một số người đơn giản là không chấp nhận việc Foxconn trả lương quá ít trong khi đòi hỏi chúng tôi làm việc quá dài”, một nữ công nhân chia sẻ với tờ Wall Street Journal.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, lương của lĩnh vực sản xuất tại nước này đã tăng 18,9% trong năm ngoái. “Những công nhân trẻ tuổi chắc chắn chú ý hơn tới quyền lợi của mình và đòi hỏi cao hơn”, Geoff Crothall, người phát ngôn của China Labour Bulletin nói. “Họ muốn đời sống tốt hơn chứ không chỉ là nhận những đồng lương tối thiểu”.

Đây chính là áp lực cho các nhà quản lý tại một tập đoàn lớn như Hon Hai, vốn đã chịu nhiều tai tiếng vì làn sóng tự sát tại các nhà máy năm 2009. Chỉ riêng nhà máy của họ tại Thái Nguyên đã có tới 79.000 công nhân và với hơn 20 nhà máy khắp Trung Quốc, lượng lao động của Hon Hai lên tới gần 1 triệu người.

Ông Woo, người phát ngôn của Hon Hai cho biết chi phí nhân công không phải vấn đề lớn với Foxconn mà câu hỏi quan trọng hơn đó là liệu các lao động trẻ Trung Quốc có còn muốn đảm trách những công việc sản xuất nặng nhọc hay không. 

“Chúng ta không thể nói với họ việc sản xuất rất thú vị. Đó là một nghề buồn chán và nặng nhọc…Do đó chúng ta phải thay đổi thay vì hy vọng công nhân sẽ thay đổi”. Đó là lí do vì sao Hon Hai đang chuyển sang các dây chuyền sản xuất tự động.

Mặt khác các cuộc bạo loạn này cũng khiến người ta phải đặt ra câu hỏi về sự bền vững của ngành sản xuất Trung Quốc. Nó đồng thời đặt ra thách thức đối với chính phủ nước này, vốn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thỏa mãn kỳ vọng của một lớp công nhân mới, những người trưởng thành trong thời kỳ kinh tế phát triển nhanh. Không giống như thế hệ của cha mẹ, những công nhân này ngày càng hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình và không sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân. 

Về nguyên nhân vụ bạo loạn tại nhà máy của Foxconn ở Thái Nguyên, theo những nhân chứng được Wall Street Journal phỏng vấn, tất cả bắt nguồn từ vụ xô xát của 2 công nhân say rượu. Thế nhưng việc hàng loạt bảo vệ lao vào đánh 2 người này đã khiến các công nhân gọi những người khác đến chi viện và làm bùng lên sự đối đầu dữ dội sau thời gian dài âm ỉ.

Thanh Tùng
Theo WSJ