1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vì sao các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất?

(Dân trí) - Theo dự đoán của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong năm 2016, lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm % so với năm 2015. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đầu tháng 3 căng thẳng hơn so với tháng 2 nhưng đã dần hạ nhiệt kể từ trung tuần tháng 3.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa phát đi bản báo cáo tình hình kinh tế tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016. Thông tin cho hay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đầu tháng 3 căng thẳng hơn so với tháng 2 nhưng đã dần hạ nhiệt kể từ trung tuần tháng 3.

Cụ thể, lãi suất O/N bình quân từ ngày 4-11/3 tăng 2,36 điểm % và khối lượng giao dịch qua đêm bình quân ngày tăng 34% so với giai đoạn từ 23/2-3/3. Từ 12/3, lãi suất O/N bình quân giảm nhẹ 0,2 điểm %, xuống còn 4,13%, thấp hơn 1% so với đợt trước Tết Nguyên đán.

Nhìn chung, lãi suất liên ngân hàng quý I/2016 cao hơn so với cùng kỳ 2015; Lãi suất huy động ngắn hạn biến động nhẹ ở kỳ hạn 6-12 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động chủ yếu tăng mạnh ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng (phổ biến 7% - 8%/năm).


Uỷ ban Giám sát dự đoán, trong năm 2016, lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm % so với năm 2015

Uỷ ban Giám sát dự đoán, trong năm 2016, lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm % so với năm 2015

Theo Uỷ ban Giám sát phân tích, nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng lãi suất kỳ dài hạn do tín dụng trung dài hạn năm 2015 tăng trên 30% đặt ra nhu cầu cần cơ cấu lại nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng thương mại. Cùng với đó là việc các ngân hàng thương mại tăng tỷ trọng huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn nhằm đón đầu trước quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN.

Vậy nên, Uỷ ban Giám sát dự đoán, trong năm 2016, lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm % so với năm 2015 do: lạm phát năm 2016 cao hơn năm 2015; nhu cầu tăng vốn huy động của hệ thống TCTD (do vốn huy động những tháng đầu năm tăng trưởng chậm hơn tín dụng); tăng vốn huy động kỳ dài hạn nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36 sửa đổi.

Tuy nhiên, “lãi suất cho vay sẽ vẫn trong mức kiểm soát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, báo cáo nhấn mạnh.

Trong khi đó, dữ liệu tổng hợp từ Uỷ ban Giám sát, trên thế giới, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Khu vực Eurozone và giảm thiểu tác động của chính sách lãi suất âm lên hệ thống ngân hàng. ECB cũng thông báo sẽ chi thêm hàng chục tỉ Euro để phục hồi nền kinh tế yếu kém kéo dài của Eurozone.

Quan ngại về tốc độ tăng trưởng chậm tại châu Âu, Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi, cũng như lo ngại những tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán, việc làm của nền kinh tế Mỹ chưa đủ để chống đỡ trước những rủi ro suy giảm kinh tế và bất ổn tài chính toàn cầu, Fed giữ nguyên lãi suất trong thời điểm hiện tại và tuyên bố sẽ nâng lãi suất nếu nền kinh tế Mỹ được giữ ổn định.

Fed vẫn dự kiến sẽ nâng lãi suất 2 lần từ nay đến cuối năm, mỗi lần nâng 0,25%, đồng thời dự báo lãi suất liên bang sẽ ở mức 1,875% vào cuối năm 2017, giảm so với mức 2,375% được dự báo vào cuối tháng 12/2015. Fed cũng hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2016 xuống 2,2%, thấp hơn 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2015.

Thị trường ngoại hối ổn định

Tỷ giá VND/USD tại các NHTM vẫn được giữ ổn định trong biên độ trên của tỷ giá trung tâm do NHNN đưa ra, dao động quanh mức 22.200 - 22.500 VND/USD. Tỷ giá kỳ hạn NDF tháng 3/2016 không có sự thay đổi so với tháng trước và chỉ số CDS tiếp tục có xu hướng giảm cho thấy niềm tin vào đồng Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo UBGSTCQG, việc FED thực hiện thận trọng việc tăng lãi suất và đồng NDT trong quý I/2016 không biến động nhiều giúp làm giảm áp lực tỷ giá. Tỷ giá trung tâm được NHNN áp dụng từ đầu năm 2016 có biến động hai chiều (tăng/giảm) bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế hạn chế việc tỷ giá bị điều chỉnh đột ngột, giúp loại bỏ tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ.

Nguyễn Hiền

Vì sao các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất? - 2