1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

VEPR: Mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 sẽ không đạt được

(Dân trí) - Với mức tăng trưởng thấp trong quý I chỉ đạt 5,1%, dự báo tăng trưởng kinh tế quý II ở mức 5,7% và cả năm đạt khoảng 6,1%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 của Chính phủ đề ra sẽ không đạt được.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR - Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2017 với những phân tích nguyên nhân khiến nền kinh tế suy giảm tăng trưởng, lạm phát cao và thâm hụt thương mại đang nặng nề.

Theo VEPR, mức tăng trưởng quý I thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo mà cơ quan này đưa ra hồi quý IV/2016. Trong quý I, hầu hết các ngành công nghiệp suy giảm một cách bất thường khiến tình hình tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng.

Viện VEPR cảnh báo tăng trưởng cả năm thấp hơn dự kiến của Chính phủ đưa ra.
Viện VEPR cảnh báo tăng trưởng cả năm thấp hơn dự kiến của Chính phủ đưa ra.

Giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung. Tương tự, thương mại tăng trưởng cao nhưng xuất khẩu vẫn chưa phục hồi thực sự về lượng, khuynh hướng tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, tiếp tục giảm xuống chỉ còn 28%.

Về đầu tư, khu vực tư nhân có một số dấu hiệu khởi sắc, nhưng giải ngân vốn đầu tư công có dấu hiệu suy giảm. Trong khi đó, việc đầu tư nước ngoài chững lại nhiều khả năng liên quan đến việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị hủy bỏ.

Tăng trưởng được dự báo ở mức 5,7% trong quý II và 6,1% cho cả năm 2017, khác biệt này đáng kể so với mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đặt ra. Trong khi đó, VEPR cho rằng sức cạnh tranh về thu hút vốn và giá của nền công nghiệp trong nước ngày càng kém so với các nước trong khu vực, khuynh hướng thu hẹp của một số nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thể hiện sự thất bại trong hội nhập và thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia của VEPR, nguy cơ lạm phát tăng, nhiều khả năng lạm phát có thể sẽ cao hơn mức dự báo, do hiệu ứng điều chỉnh giá dịch vụ công trên toàn quốc như giao thông, y tế và sự bất định của mức giá hàng hóa trên thế giới.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR, năm 2017 chắc chắn phải tăng giá điện, bởi đã kìm giá điện tăng 2 năm rồi, không thể không tăng vì còn tác động đến thu hút vốn đầu tư vào năng lượng sạch. Ngoài ra, gánh nặng thu - chi ngân sách đang ngày một lớn, khiến nhiều chính sách thuế ban hành, tác động đến niềm tin đầu tư của cộng đồng DN.

Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm, qua lượng FDI giải ngân cũng như dòng vốn đăng ký mới. Có thể nói, lợi thế thu hút đầu tư nhờ TPP bị mất đi, và Việt Nam đã và đang khiến những bất lợi trong quá trình hội nhập AEC được bộc lộ rõ hơn.

TS Nguyễn Đức Thành khẳng định: "Tôi thấy rõ thực tế, khi có TPP, người ta nói nhiều đến vốn FDI vào Việt Nam nhờ TPP. Nhưng sau khi TPP sụp đổ, theo tìm hiểu của tôi, nhiều DN Nhật Bản, trong đó có liên doanh ô tô đã xem xét rất kỹ môi trường kinh doanh ở Indonesia để chuyển địa điểm kinh doanh từ Việt Nam sang. Điều đó chứng tỏ, khi TPP mất đi, Việt Nam mất đi tính cạnh tranh khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)”.

Theo VEPR, trong quý I, chỉ số mua hàng (PMI) của Việt Nam được cho biết cao hơn cả Thái Lan, Philippines. Song chớ vội mừng bởi chỉ số PMI chỉ tính toán dựa trên kết quả khảo sát 400 DN trong lĩnh vực sản xuất.

Trong khi đó, khảo sát điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện lại cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng: “Cần phải phân biệt rạch ròi giữa mua hàng sản xuất và mua hàng để gia công, xuất khẩu. Nền kinh tế có hai hướng là mua nguyên liệu về sản xuất và mua hàng để gia công, đóng hộp xuất khẩu. Nếu mua nguyên liệu để sản xuất đó là điều mừng còn mua hàng để gia công, đóng hộp, không tạo giá trị gia tăng thì đó là nỗi lo của nền kinh tế”.

Nguyễn Tuyền