1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vẫn chưa biết đâu là đáy

Nhiều ý kiến cho rằng những khó khăn của nền kinh tế đã chạm đáy và kinh tế đang hồi phục. Có đúng như vậy không? Doanh nghiệp là những người cảm nhận rõ nhất.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
Lạm phát đã giảm, tăng trưởng kinh tế (GDP) quí 2 cao hơn quí trước; chỉ số sản xuất công nghiệp đang có chiều hướng tăng, trong khi chỉ số hàng tồn kho trong xu hướng giảm... Từ những con số thống kê ấy, một số chuyên gia và lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước đã lạc quan khẳng định, những khó khăn của kinh tế Việt Nam đã chạm đáy và đang trong giai đoạn hồi phục, đi lên. Nhưng các nhà doanh nghiệp không nghĩ vậy.

“Tình hình vẫn đang ngày một xấu hơn. Giá xi măng giờ chỉ còn khoảng 60.000 đồng mỗi bao và với mức giá này, danh sách các công ty xi măng đứng bên bờ vực phá sản đang ngày một dài ra”, ông Mai Anh Tài, Giám đốc chi nhánh Công ty Xi măng Thăng Long, tâm sự. “Chẳng riêng gì xi măng, đó cũng là tình trạng chung của ngành vật liệu xây dựng”, ông nói tiếp.

Dệt may, ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng không sáng sủa hơn, dù kim ngạch xuất khẩu sáu tháng qua vẫn tăng 8,7%. Vào thời điểm này năm ngoái, ngành vẫn đầy ắp hợp đồng xuất khẩu đến cuối năm, nhưng nay thì đơn hàng thưa thớt.

Nông nghiệp cũng đang khó khăn không kém. Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đã xuống thấp đến mức nông dân chỉ còn lãi khoảng 4 triệu đồng/héc ta cho ba tháng lao động ròng rã. Cá tra, mặt hàng thủy sản xuất khẩu hàng đầu, cũng rớt giá thê thảm và người nuôi lỗ nặng, cho dù kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng. Nguyên nhân là do sức ép công nợ, các doanh nghiệp phải dùng đến chiêu thức phá giá để giành giật hợp đồng xuất khẩu.

Tình hình của một số ngành kể trên phần nào cho thấy những diễn biến lạc quan, thông qua các con số thống kê ở tầm vĩ mô trong những tháng gần đây, vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng của nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành.

Chỉ số giá tiêu dùng liên tục xuống thấp, thậm chí là âm 0,26% trong tháng 6, một mặt là hệ quả của chính sách siết chặt tiền tệ, nhưng mặt khác cũng là chỉ dấu cho thấy “nội lực” của cả doanh nghiệp và người dân, đã kiệt quệ.

Chỉ số hàng tồn kho có xu hướng giảm trong khi sản xuất công nghiệp tăng trở lại vẫn chưa thể là tín hiệu tốt. Tổng giám đốc một công ty thép nói thẳng, tồn kho giảm là do doanh nghiệp không dám sản xuất nữa, trong khi phải phá giá, bán hàng dưới giá thành, để duy trì dòng tiền, cứu thanh khoản và giảm sức ép nợ nần. Tình hình như vậy chẳng đáng để lạc quan. Đó là chưa nói chỉ số này tăng còn có phần do chi phí sản xuất tăng.

Sáu tháng đầu năm nay, chỉ số giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng 13,78% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chỉ số giá bán sản phẩm chỉ tăng 13,41%, thấp hơn mức tăng chi phí. Nhưng đây chỉ là con số bình quân. Đi vào cụ thể, có thể thấy các nhóm sản phẩm như than, dầu thô và khí đốt, quặng kim loại, nước sạch và xử lý nước thải có chỉ số giá bán tăng rất mạnh, từ 21,56-43,86%. Đây cũng là những ngành có sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác.

Ở bảng chỉ số giá nguyên vật liệu đầu vào, những ngành quan trọng như nông nghiệp và thủy sản, dệt may, cao su, cơ khí, than cốc và dầu mỏ tinh chế đều có mức tăng chi phí cao hơn so với mức tăng bình quân. Còn trong chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp nói chung, con số tăng 8% trong tháng 6-2012 khá ấn tượng, nhưng những ngành có mức tăng vượt trội lại là khai mỏ; sản xuất và phân phối điện, gas, nước; chế biến sữa; phân bón; thức ăn gia súc... Đây cũng là những nhóm hàng tăng giá mạnh trong thời gian qua, đồng thời việc tăng giá của những mặt hàng này cũng là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, bên cạnh những con số có vẻ như lạc quan, vẫn còn những con số khác rất đáng lo ngại. Trước hết, phải kể đến là vòng quay vốn. Theo ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vòng quay vốn của nền kinh tế hiện đã giảm hơn ba lần, từ 2,5 vòng xuống chỉ còn 0,8 vòng trong một năm. Con số này cho thấy điều gì? Đó là hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp đã giảm mạnh; là hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, nên bị chôn vốn; là bán được hàng nhưng lại không thu được tiền... Như vậy, cho dù doanh nghiệp có vay được vốn với lãi suất thấp 12-13%, thì chi phí tài chính cũng vẫn rất lớn, cao gấp nhiều lần so với trước đây.

Thứ đến là tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Con số 10% nợ xấu là rất lớn và là mối nguy hiện hữu của nền kinh tế. Nếu Chính phủ không tìm được giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề nợ xấu này, thì nền kinh tế duy trì ở mức đáy như hiện nay đã khó, nói chi đến chuyện đi lên.

Tóm lại, nội lực của các doanh nghiệp hiện đang như quả bóng đã xì hết hơi. Liệu quả bóng có thể “bay” lại được hay không tùy thuộc vào sự tiếp sức từ Chính phủ. Đó có thể là việc kiểm soát tốt các nguy cơ bất ổn vĩ mô, khôi phục sức mua của thị trường; hoặc giúp doanh nghiệp giảm chi phí cùng với các chính sách hỗ trợ khác.
 
Theo Tấn Đức
The Saigon Times