1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tỷ phú giàu thứ 2 Hàn Quốc: “Tôi phải học cách vay tiền”

“Tôi được chuyển sang phụ trách nhóm kinh doanh tại một khu vực có doanh số tệ nhất. Khách hàng vẫn không chịu thanh toán dù hàng đã giao 3,4 tháng.Quả thật, thử thách lớn đầu tiên đối với tôi chính là học cách “vay nợ” và “thu nợ”, Suh Kyung-Bae gõ nhịp tay trên mặt bàn, cười vui khi nhắc lại quá khứ đi thu nợ.

Những phút ban đầu, từ cách hai tay nâng niu tấm danh thiếp trao cho người đối diện cho đến lối trò chuyện nhẹ nhàng, hóm hỉnh, Suh Kyung-Bae tạo ấn tượng về một thầy giáo phổ thông trung học lịch thiệp, hơn là hình ảnh về ông vua mỹ phẩm hàng đầu xứ sở kim chi, một trong những tỷ phú hàng đầu thế giới với tổng tài sản lên tới gần 10 tỷ USD.

Nhưng cảm giác đó cũng mau chóng tan biến khi Suh nói về câu chuyện kinh doanh và những gian khó mà ông phải nếm trải trước khi nắm giữ cơ nghiệp triệu người “kính viễn”.

Thử thách thu nợ

“Nguồn gốc của AmorePacific là từ bà nội tôi”, tỷ phú Forbes giàu thứ 2 Hàn Quốc Suh Kyung-Bae chia sẻ. Từ thập niên 1930 thế kỷ 20, Yun Dok Jeong- bà của Suh Kyung-Bae dành hàng giờ mỗi ngày trong nhà bếp của mình để chiết xuất tinh dầu hoa trà, cung cấp nhu cầu làm đẹp tóc cho phụ nữ Hàn Quốc thời điểm này.

 


Suh Kyung-Bae, tỷ phú Forbes giàu thứ 2 Hàn Quốc

Suh Kyung-Bae, tỷ phú Forbes giàu thứ 2 Hàn Quốc

 

Hơn 8 thập kỷ sau, Suh Kyung-Bae dẫn dắt AmorePacific trở thành công ty mỹ phẩm lớn thứ 14 thế giới xét theo doanh thu và đứng đầu Hàn Quốc. Công ty này ăn nên làm ra nhờ vào thị trường châu Á khi doanh số ở đây tăng 30% xuất phát từ nhu cầu giới trung lưu ngày càng ưa chuộng mỹ phẩm Hàn do ảnh hưởng từ làn sóng văn hóa nước này.

“Tôi bắt đầu vừa làm việc, vừa học hỏi tại tập đoàn năm 1987. Hai năm sau đó, tôi được giao nhiệm vụ xây dựng một cơ sở sản xuất mới và đã phải từng ăn ngủ tại công ty trong hơn một năm ròng. Sau quãng thời gian “nằm gai nếm mật” đó, tôi bắt đầu học cách “vay tiền”.

Tôi được chuyển sang phụ trách nhóm kinh doanh tại một khu vực có doanh số tệ nhất. Và điều khó khăn lúc đó là việc thu nợ. Khách hàng vẫn không chịu thanh toán dù hàng đã giao 3,4 tháng.

Quả thật, thử thách lớn đầu tiên đối với tôi chính là học cách “vay nợ” và “thu nợ”, Suh Kyung-Bae gõ nhịp tay trên mặt bàn, cười vui khi nhắc lại quá khứ đi thu nợ.

“Trải qua những thời kỳ thăng trầm, miệt mài làm việc cùng cha mình tại tập đoàn và hầu như không có lúc nghỉ ngơi, tôi chính thức tiếp quản sau 10 năm. Sau khi giao công ty cho tôi, cha tôi qua đời 5 năm sau đó”.

“Khó khăn đầu tiên mà AmorePacific và bản thân tôi gặp phải khi bắt đầu lãnh đạo tập đoàn chính là vượt qua những khó khăn tài chính và trở lại tăng trưởng đúng kế hoạch.

Vào thập niên 1980 – 1990, trào lưu phổ biến của các tập đoàn Hàn Quốc thời đó là đầu tư đa ngành, Amore Pacific cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tập đoàn lúc bấy giờ đã đầu tư vào rất nhiều ngành khác nhau như chứng khoán, thời trang và thậm chí thể thao. Tuy nhiên trào lưu này không tồn tại được trước xu thế toàn cầu hóa, khi nền kinh tế của Hàn Quốc bắt đầu mở cửa ra thế giới. Lúc đó chúng tôi bắt đầu hoạt động thua lỗ.

Sau rất nhiều suy tính, chúng tôi quyết định trở lại mảnh kinh doanh cốt lõi của mình: các sản phẩm làm đẹp. Tôi suy nghĩ về điều mà mình vẫn sẽ giữ nguyên nếu phải bắt đầu lại từ đầu. Và câu trả lời chính là ngành mỹ phẩm.

Bằng chiến lược tái tập trung vào mảng kinh doanh trọng tâm mà chúng tôi đã phát triển qua 3 thế hệ, Amore Pacific đã vượt qua được những thách thức về tài chính và trở thành một công ty toàn cầu như hôm nay”.

Ông vua mỹ phẩm xứ Hàn hiện 52 tuổi có khuôn mặt trông trẻ hơn nhiều so với tuổi cho biết “Tôi sử dụng tất cả sản phẩm của tập đoàn. Tôi đặc biệt quan tâm tới việc làm sạch và chống nắng cho da”. Một trong những bí quyết kinh doanh thú vị của vị tỷ phú dẫn dắt ngành mỹ phẩm Hàn Quốc là lắng nghe… phụ nữ. “Tôi có mối quan hệ gần gũi với phụ nữ và điều này có thể đến từ việc thành phần gia đình gồm 4 chị em gái, vợ tôi, mẹ tôi và hai cô con gái.

Tôi luôn duy trì tình bạn với vợ của những người bạn mình. Tôi có hàng trăm câu hỏi dành cho họ và luôn luôn thích thú lắng nghe những suy nghĩ của họ. Điều này có thể trở thành sự khởi đầu cho việc thấu hiểu khách hàng của chúng tôi”, Suh Kyung-Bae tiết lộ bí mật kinh doanh của ông.

Phở Việt Nam…

“Bạn hỏi tôi cảm thấy gì khi Forbes công bố tôi là người giàu thứ 2 Hàn Quốc ư”, Sukyung bật cười, “giá trị cổ phiếu của AmorePacific đang gia tăng, phản ánh sự tin tưởng của các cổ đông tập đoàn. Tôi thấy mình phải hành xử cẩn trọng và luôn có trách nhiệm để đáp lại kỳ vọng của các nhà đầu tư. Trên hết, tôi muốn mình trở thành một người hữu ích hơn cho thế giới này”.

“Ấn tượng mạnh nhất của tôi về Việt Nam là món Phở và những dòng phương tiện hối hả không ngừng nghỉ. Chính những hình ảnh đó giúp tôi xác lập bóng dáng về đất nước trẻ trung, mạnh mẽ.

Việt Nam là một thị trường có quy mô khá lớn trong khu vực với các đặc điểm: chiều dài địa lý, dân số trẻ, năng động và rất đông đúc. Khi quan sát đường phố tại các thành phố lớn, tôi rất ấn tượng về sự sôi động của cuộc sống nơi này.

AmorePacific đã thâm nhập thị trường Việt Nam một thời gian khá lâu về trước, tuy vậy thị trường chưa có nhiều tiềm năng để phát triển như thời điểm hiện nay. Chúng tôi hiện đang phát triển hệ thống cửa hàng tại Việt Nam, cùng lúc nghiên cứu thị trường để tìm hiểu thói quen, thị hiếu và phong cách sống của NTD trong nước”.

“Ông có dự định chuyển trung tâm sản xuất từ Trung Quốc sang VN như nhiều doanh nghiệp trong khu vực đã làm?”, tôi hỏi.

“Không giống các ngành khác, giá nhân công không phải là yếu tố quyết định trong sản xuất mỹ phẩm, mà là cách tiếp cận NTD. Chúng tôi hiện chú trọng hơn vào việc tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của NTD nên chưa có kế hoạch nào như trên”.

“Ông nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng, sự thành công của tập đoàn nhờ trào lưu Hallyu lớn mạnh tại Châu Á? Nếu vậy, làm thế nào để phát triển tại Châu Âu khi Hallyu không phổ biến tại thị trường này?”

“Có một sự thật rằng làn sóng Hàn Quốc, K-pop, phim ảnh Hàn Quốc là những thứ giúp cho việc kinh doanh của chúng tôi”, ông vua mỹ phẩm xứ kim chi thừa nhận. “Tuy nhiên điều chúng tôi xem xét lớn nhất chính là nhu cầu của khách hàng. Cũng phải nhắc lại để bạn nhớ, AmorePacific đã có bề dày phát triển 70 năm, trước cả khi Hallyu xuất hiện. Tuy trào lưu này một phần hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi, tập đoàn không dựa vào điều đó mà luôn tìm hiểu NTD để phát triển bền vững. Để hiểu được họ, chúng tôi nghiên cứu từng thị trường, nhìn sâu vào sản phẩm mà khách hàng cần và tiếp tục đổi mới.

Tại Châu Âu, sản phẩm của chúng tôi hiện chủ yếu là nước hoa. Tập đoàn đang nghiên cứu thị trường để tìm ra những tiềm năng mới”.

Tài sản của ông vua mỹ phẩm xứ kim chi Suh Kyung-Bae đạt 9,2 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần trong năm 2014 nhờ sự thăng hoa của cổ phiếu công ty mỹ phẩm AmorePacific.

Công ty này hiện có nhiều nhãn hiệu mỹ phẩm bao gồm AmorePacific, Sulwhasoo, Laneige, Mamonde, Innisfree and Etude House với các sản phẩm chăm sóc da và sắc đẹp.

 

Khác với Samsung hay Hyundai, tuy tập đoàn có các phân khúc sản phẩm đa dạng nhưng chỉ nằm trong 1 lĩnh vực mỹ phẩm, vậy có gặp khó khăn trước tình trạng kinh tế thế giới suy thoái?

Suh Kyung-Bae: Chúng tôi không có kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực khác vì muốn tập trung làm những gì mình yêu thích và có thể làm tốt nhất. Các tập đoàn lớn trên toàn cầu cũng chỉ làm những gì thuộc thế mạnh của họ và phát triển bằng cách đa dạng hóa phân khúc sản phẩm, tìm thị trường mới và tìm ra kênh phân phối mới.

 

"Để lãnh đạo được công ty, theo tôi điều quan trọng chính là việc theo dõi và quản lý sát sao cũng như luôn giữ uy tín và nỗ lực hết mình. Tôi luôn tâm niệm công việc nào cũng có giá trị của nó, bạn phải đối xử với người khác như những gì mình muốn nhận được, và phải luôn khiêm nhường giản dị. Từ cơ nghiệp trong phạm vi Hàn Quốc của cha mình, tôi quyết định phát triển công ty ra tầm quốc tế và thu hút nhân tài ở khắp nơi, phải thay đổi để tồn tại" - Suh Kyung-Bae

 

Minh Anh