1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Từ vụ ông Vũ Huy Hoàng, quy định rõ việc xử lý cán bộ vi phạm

(Dân trí) - Trong khi việc xử lý kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật thì tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu.

Việc xử lý cán bộ vi phạm khi đã thôi việc, nghỉ hưu được đề cập tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 (Ảnh: VGP)
Việc xử lý cán bộ vi phạm khi đã thôi việc, nghỉ hưu được đề cập tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 (Ảnh: VGP)

Trao đổi với báo chí chiều nay (29/11) về vấn đề xử lý kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành của pháp luật để xem xét hướng xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết, trong đó Quốc hội đã phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Ông Vũ Huy Hoàng đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội.

Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác, giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Cổng thông tin điện tử của Chính phủ chiều nay cũng đưa thông tin cho hay, tại phiên họp Chính phủ tháng 11 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng đã báo cáo về một số nội dung cơ bản triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ.

Đó là, tổng kết và đánh giá, sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu.

Bích Diệp