1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Từ chiến tranh thương mại đến cuộc chiến tiền tệ”

(Dân trí) - Sáng nay, ngày 3/6, trường Đại học Thương mại đã tổ chức lễ công bố báo chí Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019: “Từ chiến tranh thương mại đến cuộc chiến tiền tệ”.

Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2019 là một sản phẩm khoa học nằm trong Chương trình khoa học & công nghệ trọng điểm giai đoạn 2018-2025 của Trường Đại học Thương mại, thể hiện quan điểm khách quan và độc lập đối với các vấn đề kinh tế, thương mại trong nước và quốc tế.

Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam nghiên cứu những vấn đề ngắn hạn nhưng trong tầm nhìn trung và dài hạn với cấu trúc thống nhất bao gồm: Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam; các khía cạnh quan trọng phản ánh tình hình kinh tế và thương mại vĩ mô hàng năm.

Đặc biệt báo cáo có lựa chọn những vấn đề chuyên sâu theo từng năm liên quan đến chủ đề của báo cáo và chủ đề cho năm 2019 là “Từ chiến tranh Thương mại đến cuộc chiến tiền tệ”; trên cơ sở những dự báo kinh tế - thương mại để đề ra hàm ý chính sách phát triển kinh tế và thương mại Việt Nam cho năm tiếp theo.

“Từ chiến tranh thương mại đến cuộc chiến tiền tệ” - 1

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại khai mạc lễ công bố báo chí.

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, GS.TS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, kế tiếp thành công của Báo cáo 2018, Báo cáo Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019 với chủ đề “Từ chiến tranh Thương mại đến cuộc chiến tiền tệ” đã tổng kết và khái quát được các vấn đề kinh tế và thương mại lớn trong năm 2019 với nhiều biến động vừa qua, để từ đó đề xuất một số hàm ý chính sách liên quan.

“Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019 – Từ chiến tranh thương mại đến cuộc chiến tiền tệ” là ấn phẩm lần thứ 2 được xuất bản trong chuỗi báo cáo thường niên của Trường Đại học Thương mại. Báo cáo được kết cấu gồm 5 phần chính:

Phần 1: Kinh tế thế giới năm 2019, trình bày những xu hướng nổi bật; tăng trưởng kinh tế thế giới; thương mại và đầu tư; tài chính và tiền tệ toàn cầu; xu hướng hội nhập quốc tế.

Phần 2: Kinh tế Việt Nam 2019, trình bày tổng quan những phân tích và đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2019 gồm các biến số vĩ mô chủ yếu, như: tăng trưởng, thương mại, đầu tư, thị trường lao động, chính sách tài khóa - tiền tệ,…

Phần 3: Thương mại Việt Nam 2019, bao gồm đánh giá về các nội dung: hội nhập thương mại quốc tế, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, cân đối cung cầu của một số mặt hàng thiết yếu, thị trường và chủ thể tham gia thương mại; phương thức, loại hình và nhượng quyền thương mại; phát triển một số loại hình hạ tầng thương mại, cán cân thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa theo mặt hàng, thị trường, chính sách quản lý và phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa.

Phần 4: Từ chiến tranh thương mại đến cuộc chiến tiền tệ, trình bày về các quan điểm ủng hộ và không ủng hộ bảo hộ thương mại hiện nay trên thế giới; phân tích sâu về các công cụ bảo hộ thương mại, tác động của bảo hộ thương mại đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt tập trung phân tích tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

 Phần 5: Dự báo kinh tế và thương mại Việt Nam 2020: đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu và kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019; dự báo xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam; dự báo và triển vọng thương mại Việt Nam 2019; những khuyến nghị chính sách áp dụng cho 2019 và những năm tiếp theo.

“Từ chiến tranh thương mại đến cuộc chiến tiền tệ” - 2

Các đại biểu tham dự buổi lễ công bố

PGS,TS Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương - Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đánh giá cao nghiên cứu của nhóm tác giả, cho đây là sự đầu tư tâm huyết, khách quan để có được công trình nghiên cứu khoa học giá trị.

Tuy nhiên chuyên gia cũng gợi ý nhóm tác giả một số hướng để nghiên cứu sâu hơn, có cái nhìn rộng hơn đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Tổng kết buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Hoàng Việt - Trưởng Phòng Quản lý khoa học bày tỏ cảm ơn sự tham dự và đóng góp ý kiến quý báu của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học để hoàn thiện hơn Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2019.

Hồng Hạnh