1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Từ 1/4, cạnh tranh kinh doanh trên tàu Thống Nhất

(Dân trí) - Các toa xe trên tàu Thống Nhất (SE) sẽ được chia cho Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn từ ngay mai (1/4). Các công ty sẽ tự quản lý, xây dựng thương hiệu riêng, cạnh tranh bình đẳng và nâng cao chất lượng phục vụ khách đi tàu.

Sự cạnh tranh kinh doanh bình đẳng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng
Sự cạnh tranh kinh doanh bình đẳng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng
 dịch vụ cho hành khách đi tàu
 
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), mỗi công ty sẽ được chia 2 mác tàu (một ban đêm và một ban ngày), trong đó: Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội (VTHK ĐS) sẽ phụ trách, quản lý, khai thác 2 mác tàu SE1/2 (xuất phát 19 giờ - 2 chiều) và SE5/6 (xuất phát 15 giờ 45 phút - 2 chiều); Công ty Vận tải HKĐS Sài Gòn phụ trách 2 mác tàu SE3/4 (xuất phát 23 giờ - 2 chiều) và SE7/8 (xuất phát 6 giờ 15 phút tại Hà Nội và Sài Gòn lúc 6 giờ 25 phút).

Phương án chuyển giao số lượng toa xe của các mác tàu sẽ được thực hiện nguyên trạng giữa 2 công ty. Riêng với 2 mác tàu SE7/8 và SE5/6 là 2 mác tàu Thống Nhất đón trả khách nhiều ga, nếu bàn giao nguyên trạng sẽ mất cân đối chủng loại toa xe giữa 2 công ty nên sẽ được cân nhắc và tính toán hợp lí.

Trước đó, hôm 11/3, Công ty VTHK ĐS Hà Nội và Sài Gòn đã thống nhất bàn giao 70 toa xe (bao gồm những toa xe dự phòng) của 2 mác tàu SE1/2 và SE3/4; với 2 mác tàu còn lại chỉ tiến hành bàn giao 7 toa xe theo phương án cụ thể.

Về việc quản lý và ban hành giá vé được ĐSVN thống nhất, đồng thời giao các công ty quản lý phương án bán vé cả 2 chiều của các mác tàu để công tác quản lý, khai thác các mác tàu Thống Nhất được thuận lợi và không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu, đặc thù quản lý, vận dụng của các công ty. Công tác phục vụ ăn uống trên mác tàu SE của công ty nào quản lý thì các đơn vị thành viên thuộc công ty đó chịu trách nhiệm.

Cũng theo ĐSVN, trong trường hợp gặp các sự cố bất thường như bão lũ, tắc đường hoặc các đợt vận tải đặc biệt để phục vụ vận tải, an ninh quốc phòng, hè, Tết… công tác tổ chức vận tải hành khách sẽ được thực hiện theo các quy định hiện hành và các quyết định của ĐSVN.

Được biết, hiện có một số nhà ga, đoàn tàu đã trở thành thương hiệu đáng nhớ đối với hành khách như: NA1/2 (Hà Nội-Vinh), SQN1/2 (Sài Gòn-Quy Nhơn), SH1/2 (Sài Gòn-Huế)... đã chiếm lĩnh được vị trí và ngày càng gia tăng ảnh hưởng trên thị trường vận tải hành khách ở phía Nam. Một số đoàn tàu khách địa phương có giá vé cao hơn vé ôtô trên cùng chặng đường nhưng vẫn được hành khách lựa chọn.

Với việc chia mác tàu cho từng đơn vị xây dựng thương hiệu, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, ĐSVN khẳng định đây là tín hiệu tốt cho ngành và hành khách trước thách thức gay gắt của cơ chế thị trường, góp phần nâng cao sản lượng và doanh thu. Đặc biệt, xây dựng thương hiệu sẽ kéo theo việc nâng cao chất lượng dịch vụ trên tàu, hành khách sẽ chăm sóc tốt hơn và đảm bảo quyền lợi khi đi tàu.

Quỳnh Anh