1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Từ 11/7, giá nước lên mức cao nhất là 18.000 đồng/m3

(Dân trí) - Theo thông tư của Bộ Tài chính, kể từ 11/7 tới, giá nước sạch ở đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 sẽ lên mức caao nhất 18.000 đồng/m3 và tối thiểu là 3.500 đồng/m3, thay cho các mức 12.000 đồng/m3 và 3.000 đồng/m3 như hiện nay.

Bộ Tài chính vừa có thông tư mới hướng dẫn về khung giá nước sạch sinh hoạt, áp dụng từ ngày 11/7 tới.

Từ 11/7 tới, giá nước sạch tăng lên mức cao nhất 18.000 đồng/m3 (ảnh minh họa).

Từ 11/7 tới, giá nước sạch tăng lên mức cao nhất 18.000 đồng/m3 (ảnh minh họa).

Theo đó, giá nước sạch ở Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 sẽ có giá tối đa là 18.000 đồng/m3 và tối thiểu là 3.500 đồng/m3.

Tương tự, giá tối đa nước sạch ở Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 sẽ có mức mới 15.000 đồng/m3 thay vì 10.000 đồng/m3 như hiện nay. Giá tối thiểu ở khu vực này cũng sẽ tăng lên thành là 3.000 đồng/m3.

Ở khu vực nông thôn, khung giá nước sạch sinh hoạt mới sẽ dao động ở ngưỡng 2.000 đồng -11.000 đồng/m3 thay vì 1.000 đồng - 8.000 đồng/m3 hiện nay.

So với quy định hiện hành, khung giá nước sạch đã có biến động khá lớn. Ví dụ như, theo thông tư số 100 ngày 20/5/2009 của Bộ Tài chính, khung giá nước ở Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 chỉ có giá tối đa là 12.000 đồng/m3, trong khi giá tối thiểu là 3.000 đồng/m3.

Mức giá áp dụng cho 2 khu vực còn lại tương đương là 2.000 đồng/m3 và 10.000 đồng/m3; 1.000 đồng/m3 và 8.000 đồng/m3.

Như vậy, sau 3 năm được giữ giá từ ngày 15/7/2009, giá nước sẽ được điều chỉnh tăng vào ngày 11/7 tới đây.

Còn nhớ, vào cuối tháng 5 vừa qua, Tổng công ty Nước sạch Hà Nội đã kiến nghị tăng giá nước sạch thêm 35%. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào sản xuất nước sạch (như hóa chất, phụ kiện, đồng hồ, đường ống, chi phí lắp đặt...) tăng mạnh trong khi giá nước bán ra thấp.

Tính chung bốn tháng đầu năm nay, tổng công ty đã lỗ 32 tỷ đồng và phải giảm lương công nhân.

An Hạ