1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TS. Vũ Đình Ánh: “Điều chỉnh tỷ giá không tác động lớn đến lạm phát”

(Dân trí) - “Điều chỉnh tỷ giá lần này, tác động là có nhưng không quá lớn và khả năng chúng ta vẫn duy trì được lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá.

Đánh giá về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỷ giá USD/VND ngày 7/5, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết: Đây là một biện pháp điều hành của NHNN trước áp lực tỷ giá hối đoái trên cả thị trường chính thức và thị trường phi chính thức diễn ra từ đầu 2015 đến nay. Thời điểm mang tính chu kỳ, các năm trước, điều chỉnh tỷ giá thường rơi vào giữa năm và bây giờ là tháng 5, cũng là thời điểm không quá bất ngờ.

Cam kết về điều hành tỷ giá được thực hiện từ 2012 và đến nay cơ bản thực hiện được, thậm chí thấp hơn nhiều so với cam kết trong những năm trước. Năm 2015, định hướng về chính sách tỷ giá hối đoái căn cứ trên đánh giá tình hình cũng như nguyên tắc điều hành tỷ giá.

Ngoài ra, cam kết điều chỉnh tỷ giá quanh biên độ 2% của NHNN không hẳn cứng nhắc bởi tính linh hoạt là bản chất của chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách về tỷ giá hối đoái, không nhất thiết phải khăng khăng bám giữ vào đó cũng như các yếu tố về điều kiện thị trường mà có thể chủ động thay đổi.

Như vậy, với mức điều chỉnh tăng thêm 1%, “room” tỷ giá đã hết nhưng điều đó không có nghĩa từ nay đến cuối năm, tỷ giá chỉ thay đổi theo chiều hướng tăng mà có thể có cả hướng điều chỉnh giảm phụ thuộc vào những điều kiện của thị trường.

TS. Vũ Đình Ánh: “Điều chỉnh tỷ giá không tác động lớn đến lạm phát”
TS. Vũ Đình Ánh: “Điều chỉnh tỷ giá không tác động lớn đến lạm phát” 

Theo đánh giá của ông, việc điều chỉnh tỷ giá lần này của NHNN sẽ tác động như thế nào đến kinh tế vĩ mô và thị trường?

Việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chắc chắc sẽ tác động đến chỉ số lạm phát, do độ mở của kinh tế Việt Nam, đặc biệt quy mô nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn và từ đầu năm đến nay tốc độ nhập khẩu cao hơn so với xuất khẩu. Tuy nhiên với mức điều chỉnh 1% lần này, theo đánh giá của tôi, khả năng tác động quá mạnh đến lạm phát sẽ không xảy ra.

Ngay từ đầu năm, chúng ta điều chỉnh tỷ giá hối đoái 1%. Tuy nhiên, trong thực tế diễn biến lạm phát đến tháng 4 chỉ tăng bình quân 0,8%; còn nếu so với cuối năm 2014 thì gần như không tăng (chỉ khoảng 0,01%). Như vậy, gần như nó không có tác động quá lớn đến lạm phát. Do đó, có thể nói điều chỉnh tỷ giá lần này, tác động là có nhưng không quá lớn và khả năng chúng ta vẫn duy trì được lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu ra cho cả năm.

Có nhiều ý kiến cho rằng, điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến nợ công gia tăng?

Về nguyên tắc, khi chúng ta điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì phần tiền Việt phải chi trả cho nợ công cả gốc lẫn lãi sẽ tăng lên. Tuy nhiên việc điều chỉnh tỷ giá lần này chỉ 1%, nếu tính sang tiền Việt cũng chỉ tương đương cỡ 1% và không quá lớn.

Chúng ta trả nợ gốc và lãi bằng ngoại tệ các khoản vay, do đó hiện nay có một xu hướng là bố trí các nguồn ngoại tệ từ các nguồn khác nhau để sử dụng, trong đó có một phần để trả cho phần nợ công. Do đó, nó không tác động trực tiếp đến vấn đề quan hệ giữa nội tệ - ngoại tệ về mặt tỷ giá hối đoái, nên cũng giảm bớt áp lực nợ công do tác động của diễn biến tỷ giá.

Mấy năm gần đây, chúng ta thường đưa ra thông điệp chỉ điều chỉnh tỷ giá trong một biên độ cố định. Theo đánh giá của ông, điều này có gây khó khăn trong điều hành chính sách của NHNN không?

Diễn biến tỷ giá hối đoái cũng như quan điểm điều hành của chúng ta có một thay đổi cơ bản bắt đầu từ năm 2012. Sau khi phá giá rất mạnh vào đầu 2011 thì suốt năm 2012, chúng ta không điều chỉnh tỷ giá hối đoái một lần nào hết. Đến năm 2013-2014, mỗi năm chúng ta cũng chỉ điều chỉnh tỷ giá 1 lần vào giữa năm và có đưa ra 1 cam kết tỷ giá không tăng quá 2-3% trong mỗi năm. Trong thực tế, chúng ta cũng đã không điều chỉnh tỷ giá hối đoái hết mức cam kết đó.

Sang đến năm 2015, chúng ta cũng đặt ra cam kết là tỷ giá không tăng quá 2%, nhưng cho đến nay chúng ta đã sử dụng hết dư địa đó. Do đó, tôi cho rằng, các cam kết trong năm 2012-2014 đã góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô trong đó có việc ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, góp phần kiềm chế lạm phát. Trong thời gian đó, chúng ta đã có thặng dư cán cân thương mại, theo đó, cán cân thanh toán được cải thiện và dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục như chúng ta đã biết.

Năm 2015, rõ ràng kỳ vọng của cơ quan quản lý vẫn là giữ cam kết trong biên độ 2%. Tuy nhiên, chúng ta nên theo dõi sát diễn biến trên thị trường đồng thời căn cứ trên các dự báo tình hình cán cân thương mại, cán cân thanh toán và diễn biến của quan hệ tỷ giá hối đoái giữa USD và các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới để có quyết định điều hành tỷ giá phù hợp.

Vậy theo ông, việc điều chỉnh tỷ giá lần này có khiến niềm tin của thị trường có bị ảnh hưởng?

Có nhiều cách để đạt được niềm tin của thị trường. Ví dụ như năm 2012-2014, để củng cố niềm tin, chúng ta đưa ra cam kết và chủ động thực hiện cam kết đó, thậm chí chưa điều chỉnh tới mức chúng ta cam kết.

Sang năm 2015 này, chúng ta khẳng định niềm tin bằng cách chủ động điều chỉnh những định hướng về điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Và khi chúng ta vẫn thực hiện theo những dự tính và định hướng đã điều chỉnh đó thì tôi cho rằng nó cũng không ảnh hưởng đến niềm tin.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”