1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp tư nhân vẫn bị coi rẻ, bị đè nặng vì chi phí

(Dân trí) - Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giải quyết được rất nhiều việc làm nhưng sao họ vẫn bị coi rẻ. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại như được hưởng bầu trời riêng chính sách nhưng đóng góp không thoả đáng.

Phát biểu tại Hội thảo Đổi mới doanh nghiệp (DN) Nhà nước và Phát triển kinh tế tư nhân vừa diễn ra hôm nay (30/5) tại Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: Đổi mới, phát triển DN Nhà nước và khu vực tư nhân nói nhiều nhưng chúng ta chưa làm được, ở đây phải chuyển từ hệ sinh thái, môi trường và đặc biệt là giảm chi phí hiện nay.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tôi thấy rằng ba khu vực: kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân và FDI trong thời gian qua đều không cải thiện về chất lượng tăng trưởng. Kinh tế tư nhân được hô hào nhưng khu vực này cũng chưa thực sự phát triển mạnh vì còn quá nhiều rào cản.

Theo ông Thiên, những rào cản lần này chính phủ nói như chi phí của DN đang tăng cao có liên quan đến nguồn thu của Nhà nước. Thu của Nhà nước càng nhiều thì chi phí DN càng tăng lên và rào cản ngày càng lớn. Nhà nước giảm chi thì chi phí doanh nghiệp sẽ lập tức giảm được.

Ông Thiên trăn trở: DN tư nhân dường như chức năng chủ yếu là tạo việc làm cho người lao động, tất nhiên quan trọng, đóng góp cho tổ quốc. Thế nhưng, sao DNTN vẫn bị coi rẻ trong khi đó, DN FDI đóng góp gì cho nền kinh tế Việt Nam hay chưa? Họ có đóng góp cho tăng trưởng GDP, tăng thu ngân sách nhưng họ lại nhập siêu lớn, tách rời khỏi các khu vực kinh tế khác. Như vậy, chúng ta sẽ xuất hiện nhiều vùng kinh tế, nhiều nền kinh tế. Điều đó đã thỏa mãn với việc chúng ta trải hàng loạt thảm chính sách cho họ hay chưa?

Ông Thiên nhấn mạnh: Hiện DN FDI giống như là khoảng trời độc lập, họ không có công nghệ tân tiến, họ vào Việt Nam với lời mời chào rất hấp dẫn chính là: Lắm lợi thế, lắm tài nguyên, lao động rẻ tiền…. Nhưng ta phải đặt là ta đã khai thác thế mạnh của doanh nghiệp FDI thế nào, hình như cái vế này là chúng ta còn chưa nói rõ thì phải.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chính vì sống trong cùng hệ sinh thái, cùng một môi trường kinh doanh, đầu tư mà DN FDI và DN Nhà nước được thừa hưởng rất nhiều lợi thế từ: đất đai, thị trường, chính sách thì làm sao DN tư nhân có thể phát triển được. Chúng ta phải tìm cách giải tỏa điểm nghẽn, nút thắt từ môi trường đầu tư bất bình đẳng để cho DN tư nhân lớn mạnh.

"Chúng ta mới chỉ bàn tận dụng FDI từ cái tối thiểu như một chút ngân sách, chút GDP tăng trưởng, chứ không nghĩ FDI có lợi thế và phải đóng góp điều gì khác cho đất nước này. Nếu bất bình đẳng trong môi trường cạnh tranh này được tiếp tục thì DN tư nhân sẽ không thể lớn được", ông Thiên nói.

Nguyễn Tuyền