1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TS.Nguyễn Trí Hiếu: “Thành công nhất là tạo được niềm tin với người dân”

(Dân trí) - Một chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, chủ động dẫn dắt thị trường đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trong đó ý nghĩa nhất chính là việc ngành ngân hàng đã tạo được niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Đó là đánh giá của TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua.

Là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông đánh giá như thế nào về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian qua?

Những năm qua, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, chủ động dẫn dắt thị trường, đồng thời có sự phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng.

Theo tôi, NHNN đã điều hành quyết liệt, chủ động và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Điều dễ nhận thấy là kỷ luật, kỷ cương thị trường được củng cố vững chắc, thanh khoản của toàn hệ thống từng bước được ổn định và đảm bảo an toàn; thị trường tiền tệ ổn định và thông suốt; lạm phát từ mức 18,13% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012, 6,04% năm 2013; 1,84% năm 2014 và nhiều khả năng lạm phát năm 2015 được kiểm soát khoảng 2%. Đây là điều hết sức quan trọng đối với nền kinh tế.

 


TS.Nguyễn Trí Hiếu

TS.Nguyễn Trí Hiếu

 

Ông có nhận xét gì về cơ chế điều hành lãi suất của NHNN trong thời gian qua?

Có thể nói, việc kéo giảm mặt bằng lãi suất là một trong những dấu ấn quan trọng  của nhà điều hành trong thời gian 5 năm qua. NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô, điều kiện thị trường tiền tệ để giảm lãi suất cho vay, góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh theo mục tiêu đề ra của NHNN, chỉ bằng khoảng 40% lãi suất vào nửa cuối năm 2011 và thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn kinh tế phát triển ổn định, góp phần hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp và hộ dân; lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-11%/năm, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án/dự án khả thi thì lãi suất chỉ còn 5-6%/năm.

Đối với doanh nghiệp, điều này đã giúp họ giảm chi phí giá thành sản xuất và nhất là yên tâm hơn trong đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Còn về tỷ giá thì sao, thưa ông?

Tôi nhận thấy, NHNN đã điều hành chính sách tỷ giá ngày càng linh hoạt. Điều đó được thể hiện qua động thái chủ động công bố định hướng điều hành tỷ giá trong từng thời kỳ. Với việc theo dõi sát diễn biến cung-cầu ngoại tệ, NHNN điều hành linh hoạt tỷ giá, kết hợp với các biện pháp như giảm trạng thái ngoại tệ, thu hẹp đối tượng cho vay bằng ngoại tệ, các qui định nhằm chống găm giữ ngoại tệ, kịp thời mua bán ngoại tệ để can thiệp ổn định thị trường, tăng cường công tác truyền thông để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong hơn 4 năm qua tương đối ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Vị thế và lòng tin vào VND ngày càng được củng cố, tăng cường. Tình trạng đô la hóa giảm mạnh, ngoại tệ tập trung chủ yếu vào hệ thống ngân hàng và NHNN đã mua được số lượng ngoại tệ lớn, đưa mức dự trữ ngoại hối Nhà nước lên cao nhất từ trước tới nay bảo đảm thanh khoản quốc gia, góp phần tăng tiềm lực tài chính và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng trong những năm qua thấp hơn giai đoạn trước năm 2011. Điều này nói lên điều gì, thưa ông?

Tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào là phù hợp phụ thuộc vào nhu cầu của nền kinh tế và khả năng hấp thụ tín dụng. Dù tín dụng giai đoạn 2011-2014 tăng bình quân khoảng 12,6%/năm (dự kiến năm 2015 tăng khoảng 17%), thấp hơn rất nhiều so với mức tăng bình quân 33,3%/năm của giai đoạn 2006-2010, nhưng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Với mức tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2014 là 5,7%/năm (dự kiến năm 2015 tăng khoảng 6,5%), tăng trưởng tín dụng bình quân trong giai đoạn này là 12,6% tương đương với 2,2 lần tăng trưởng GDP, một tỉ lệ phù hơp cho một nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng.

Dòng chảy tín dụng được khơi thông, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi và phát triển. Điều đáng nói là, chất lượng tín dụng đã được cải thiện trong những năm qua và không làm gia tăng nợ xấu mới.

Vậy theo ông, kết quả có ý nghĩa nhất của chính sách tiền tệ trong thời gian qua là gì?

Theo tôi đó là niềm tin, niềm tin vào chính sách tiền tệ và cách thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương, niềm tin vào giá trị VND và rộng hơn là niềm tin vào hệ thống tài chính và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Ngành ngân hàng đã thiết lập được niềm tin không chỉ đối với người dân và các doanh nghiệp trong nước mà còn cả đối với nhà đầu tư nước ngoài, một điều rất quan trọng khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào các hiệp định kinh tề và thương mại toàn cầu.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)

 

TS.Nguyễn Trí Hiếu: “Thành công nhất là tạo được niềm tin với người dân” - 2