1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TS Nguyễn Đình Cung: "Thủ tục hành chính nửa điện tử, nửa giấy tờ chỉ để vòi tiền doanh nghiệp"

(Dân trí) - "Chỗ tiếp xúc giữa doanh nghiệp và công chức là chỗ mà công chức cố tình gây phiền hà, khó khăn và vòi tiền doanh nghiệp".

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiếu Nghị quyết 02 về cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

TS Nguyễn Đình Cung: Thủ tục hành chính nửa điện tử, nửa giấy tờ chỉ để vòi tiền doanh nghiệp - 1

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

 

Dẫn đánh giá về những hạn chế của môi trường kinh doanh do WB đưa ra mới đây, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, WB đánh giá Việt Nam đang bị thấp ở hai tiêu chí giải quyết phá sản và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tranh chấp, khởi kiện.

Ông Cung cho rằng, khi một doanh nghiệp phá sản thì cơ quan chức năng, thụ lý cần phải nhanh chóng xử lý để họ có cơ hội khác hoặc lĩnh vực đó có sự gia nhập của người khác, tạo cơ hội cho người khác.

"Chúng ta phải giải quyết tranh chấp công bằng, minh bạch, ngành tòa án phải cung cấp công lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay ngành tòa án không chú ý đến cung ứng các dịch vụ cho doanh nghiệp mà vẫn nặng về hành chính hóa, chính vì điều này nên mức độ thị trường của nền kinh tế không tiến lên thêm được", TS Cung nhấn mạnh.

Theo ông Cung, hiện doanh nghiệp ngại nhất ở Việt Nam là phá sản và tranh chấp dân sự. Nếu không cải thiện hai chỉ số này, chắc chắn chúng ta không lên được tiêu chuẩn môi trường kinh doanh của 4 nước phát triển trong ASEAN (ASEAN 4).

Ông Cung kể: "Bộ trưởng Bộ KH&ĐT từng ký 2 công văn gửi Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị phối hợp hợp tác để giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho doanh nghiệp phá sản và tranh chấp, khởi kiện. Tuy nhiên, đến nay Tòa án Nhân dân tối cao không trả lời".

Theo Viện trưởng Cung, Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới trong "Doing Business 2019" nói rất rõ Việt Nam đang nghẽn và phải có những cải cách ở thủ tục giải quyết phá sản và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Chính vì thế, cần phải mô hình liên thông, nhiều bộ, ban ngành vào cuộc mới xong việc

Năm 2018, Chính phủ có đưa ra hàng loạt chính sách, các bộ cũng triển khai mạnh. Tuy nhiên, từ có hiệu lực văn bản sang hiệu lực thực tế còn có khoảng cách, chúng ta cần chờ đợi tháng 6 năm 2019 để xem các chính sách đi vào cuộc sống sẽ thế nào.

"Tôi nghĩ 2 lĩnh vực là giải quyết phá sản và giải quyết tranh chấp hợp đồng rất quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam, cũng như doanh nghiệp nước ngoài nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, có pháp luật bảo vệ và được bảo vệ. Chúng ta cần thay đổi và cần có áp lực đủ lớn lên ngành tòa án mới thay đổi được", TS Cung nói.

Theo Viện trưởng Cung, hiện các cơ quan Nhà nước không thể tự thay đổi và không thể ngồi chờ họ thay đổi mà phải tạo áp lực cho họ thay đổi lên họ.

Theo ông Cung, mấu chốt của Nghị quyết 02 của Chính phủ thay thế tên gọi Nghị quyết số 19 những năm trước là đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Nếu có dịch vụ công trực tuyến thì phải có thanh toán điện tử trực tuyến mới đáp ứng và hệ thống hóa được thói quen của người dân, doanh nghiệp và công chức.

"Tiêu chí này là giúp giảm tối đa tiếp xúc người dân và công chức, bởi vì trên thực tế, những chỗ hay tiếp xúc, lại là những nơi xảy ra nạn đút lót, tham nhũng vặt. Chỗ cần tiếp xúc giữa doanh nghiệp, công chức là chỗ công chức cố tình gây phiền hà, khó khăn và vòi tiền doanh nghiệp", ông Cung nhấn mạnh.

Vì vậy, theo ông Cung phải làm sao phải hạn chế tối đa tiếp xúc người dân, doanh nghiệp và công chức.

Theo Viện trưởng CIEM, hiện nay, hệ thống hóa các thủ tục hải quan, thuế... được thực hiện bằng điện tử vừa thực hiện bằng giấy tờ nên nhiều khi song song. Nhiều chỗ không muốn bỏ giấy tờ, cố gắng yêu cầu có giấy tờ để làm khó doanh nghiệp.

"Điều quan trọng là phải nhất quyết chuyển những thủ tục hành chính sang thanh toán không dùng tiền mặt và làm sao người bình thường cũng phải tiếp xúc với dịch vụ của ngân hàng để tăng vòng quay của vốn để tạo điều kiện cho người dân bình thường trong đời sống hằng ngày", ông Cung nói.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Nghị quyết 02 của Chính phủ đặt trọng tâm lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ phạm trù này để thay vì hình thức mà đi vào thực chất hơn.

"Có nhiều người nói ở Việt Nam có hệ thống đổi mới sáng tạo rồi. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chúng tôi, những chỗ được coi là đổi mới sáng tạo ấy vẫn chỉ là hình thức mà không có chất lượng, mới chỉ là những chỗ làm việc chung chứ không phải đổi mới quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp", ông Cung nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện tỷ lệ doanh nghiệp bị kiểm tra chồng chéo, trùng lập đặc biệt là kiểm tra của các bộ vẫn còn khá nhiều.

"Kiểm tra theo diện rủi ro hiện nay không có nhiều, doanh nghiệp càng nổi, càng to lại càng bị kiểm tra nhiều. Riêng các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng bị kiểm tra rất nhiều", ông Tuấn nêu.

Đại diện của VCCI kiến nghị năm 2019 và những năm tới, cần làm bài bản hơn trong việc rà soát các điều kiện gây khó khăn, cản trở thị trường. Phải làm rõ tiêu chí cách nào đặt ra điều kiện kinh doanh, hiện Luật Đầu tư khá chung chung. Tiêu chuẩn quốc phòng, sức khỏe mới nên đặt điều kiện.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát điều kiện kinh doanh, Luật Đầu tư có từ lâu nhưng quy định này chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, điều kiện gia nhập thị trường của Việt Nam được WB đánh giá tăng bậc nhưng còn hạn chế, hiện nay chủ yếu Việt Nam chỉ được đánh giá tốt ở đăng ký thủ tục đầu tư chứ chưa thực sự gỡ bỏ các điều kiện tự do tham gia thị trường như kỳ vọng.

Nguyễn Tuyền