1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

TS. Nguyễn Đình Cung: Đừng ảo vọng vào FDI, sự thịnh vượng là do người Việt

(Dân trí) - "Không thể kỳ vọng vào FDI để xây dựng Việt Nam thịnh vượng được, chỉ có người dân Việt Nam mới có thể xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng...", Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nói.

Trong khi nhiều kỳ vọng vào thu hút FDI ở Việt Nam khi một số dòng vốn ngoại chủ động tìm đối tác mới, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: Thực tế đặt ra cho Việt Nam bài toán hóc búa là năng lực của nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu? Đã đến lúc Việt Nam phải tự chủ, không thể dựa quá nhiều vào tăng trưởng xuất khẩu của FDI để lấy thành tích được.

TS. Nguyễn Đình Cung: Đừng ảo vọng vào FDI, sự thịnh vượng là do người Việt - 1

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: "Cứ phụ thuộc FDI và cứ bằng lòng với tăng trưởng GDP 5-7% nhờ gia tăng đầu tư, xuất khẩu của nhómFDI, chúng ta khó có cải cách được"

Phóng viên Dân Trí tiếp tục đặt câu hỏi với tiến sĩ Nguyễn Đình Cung về chủ đề Việt Nam cần làm gì để "gạn đục, khơi trong" dòng vốn ngoại trong thời gian sắp tới để vừa tận dụng ngoại lực, nhưng không chèn ép doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển.

Thưa ông, như đã trả lời với Dân Trí, ông đề xuất "chắt lọc" thu hút FDI, thậm chí đặt vấn đề là có thể nói không với FDI nếu thực chất vốn ngoại vẫn là lắp ráp, tận dụng tài nguyên, lao động giá rẻ... Đây là vấn đề thay đổi cả hệ tư duy, thậm chí bắt cả hệ thống phải vào cuộc, không hề đơn giản, dễ dàng gì?

- Cứ phụ thuộc FDI và cứ bằng lòng với tăng trưởng GDP 5-7% nhờ gia tăng đầu tư, xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI, chúng ta khó có cải cách được. Nếu đặt giả thiết có thể "không có đầu tư FDI", lúc này các cơ quan Nhà nước phải giải bài toán tìm đâu động lực, họ buộc phải hỗ trợ kinh tế tư nhân trong nước.

Tôi đến các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... hoàn toàn vẫn là mô hình khai thác tài nguyên đất đai và lao động giá rẻ, kết hợp với mở cửa thị trường để thúc đẩy tăng trưởng, càng phụ thuộc FDI thì nguồn lực trong nước càng bị chèn ép.

Chênh lệch giữa GNP và GDP đầu người ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp FDI rất chênh lệch, điều này chứng tỏ người dân không có nhiều giá trị gia tăng trong nước, không được hưởng về sự phát triển do FDI mang lại. Trong khi đó, tiền chuyển ra nước ngoài ngày càng lớn.

Trong 30 năm đổi mới, cải cách đất, khu vực FDI hiện đã chiếm vị trí khó thay thế. Cũng chính vì điều này, chúng ta thấy có sự biệt đãi, tận thu vốn FDI để tăng trưởng, nền kinh tế xuất hiện hai hình thái, kinh tế FDI và kinh tế tư nhân - doanh nghiệp Nhà nước. Nếu nhìn vào kết quả tăng trưởng GDP và xuất khẩu, sẽ rất tự hào, song nhìn sâu vào chuyển đổi mô hình, rõ ràng, vấn đề Việt Nam đang gặp ở giới hạn phát triển của nguồn lực, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Hãy nhìn về 10 năm tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đầu tư FDI không có đóng góp gì quan trọng vào tiến trình này cả, họ đi theo hướng riêng.

Chúng ta không thể chặn FDI một sớm, một chiều nhưng cũng không thể mãi dựa dẫm vào họ. Phải thay đổi tư duy dần dần, phải tạo áp lực, tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân. Nguồn lực không thay đổi nhưng tư duy phải thay đổi. Nếu tiếp tục bằng lòng với chính mình, chúng ta sẽ chỉ thu được những luồng vốn lẻ, tạo sân chơi tồi, không thể có các nhà đầu tư lớn, có ý định lâu dài với Việt Nam.

Đã rất nhiều người nói Việt Nam có hai nền kinh tế trong một quốc gia, đó là kinh tế FDI và kinh tế do doanh nghiệp Việt, người Việt điều hành. Một bên là sự phát triển nhanh chóng, chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, khai thác được lợi thế mở cửa. Một bên là doanh nghiệp Nhà nước đang "oằn mình" thay đổi; các doanh nghiệp tư nhân bé nhỏ đang cặm cụi, vật lộn với bài toán: vốn, thị trường và chuỗi cung ứng....

Bản thân các nước lớn, họ tận dụng FDI nhưng không quá đà, vẫn phải nuôi dưỡng, chăm trồng cho doanh nghiệp bản địa lớn lên, để nuôi dưỡng nền kinh tế của đất nước tự chủ, thịnh vượng. Việt Nam nên thế và cần thế vì đó là quy luật tất yếu.

Ông có nhắc nhiều đến việc quản kiểm của Việt Nam đang triệt tiêu sáng tạo, đang hạn chế tư duy, ý chí của chính doanh nghiệp, của chính người quản lý, vậy cần áp lực gì để thay đổi?

- Nguồn lực không thay đổi nhưng tư duy phải thay đổi. Những thứ phải thay đổi là tư duy, là con người và thể chế của một nền kinh tế. Nhà nước thay vì quản kiểm, chọn cái dễ về mình, hiểu đến đâu, quản đến đó thì phải thay đổi tất cả hành động vì sự phát triển, hỗ trợ phát triển.

Hệ thống chính sách hiện nay của chúng ta còn tồn tại quá nhiều quản, kiểm. Trùng điệp cách “quản, quản và quản”, thanh tra từ trên xuống dưới. Hệ thống quy định, luật lệ nhiều nơi "sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng".... Như thế, bản thân doanh nghiệp tư nhân, người có tư duy đổi mới có thể bị đặt vào sai phạm bất cứ lúc nào.

Với luật lệ hiện nay, có thể họ đúng với Luật Đầu tư nhưng lại sai với Luật Môi trường, đúng với luật chuyên ngành này lại sai với luật chuyên ngành khác, đúng với luật thì sai với thông tư... Như vậy, rất nhiều người sợ không dám đầu tư quy mô lớn, lâu dài.

Ở Việt Nam động làm cái gì là phải xin giấy phép, tuân thủ đủ thứ, thậm chí nhiều cái xin thẳng không được mà phải "bôi trơn" mới được.

Doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt không thiếu ý chí, khát vọng làm giàu cho chính mình, cho đất nước. Tuy nhiên, điều gây trở ngại lớn nhất chính là các rủi ro chính sách, hạn chế thông tin và đặc biệt là sự phân biệt đối xử mang lại, ông có phân tích gì về điều này?

- Điểm nghẽn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân, là thể chế kinh tế và các rủi ro chính sách mang lại, doanh nghiệp tư nhân khó có thể tiếp cận được nguồn lực (đất đai, tiền vốn, thông tin...).

Người có sáng kiến, sáng tạo, dự án tốt không tiếp cận được đất đai trong khi đó, những người tiếp cận được là người thân hữu, cho nên mới có hiện tượng doanh nghiệp không lớn được và sợ lớn.

Ngay trong chính sách nói chung vẫn còn ý kiến trái chiều, một chính sách cho ngành, lĩnh vực, Bộ này xin cho doanh nghiệp, nhưng bộ kia vì quyền và trách nhiệm của mình, không mong muốn, bác bỏ. Điều này khiến chính sách của ta thiếu nhất quán, doanh nghiệp là người gánh chịu thiệt hại.

Đơn cử như đề xuất ưu đãi xe nội địa với bỏ phí trước bạ 50% và ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe trong nước. Bộ Công Thương đưa ra đề xuất, Bộ Tài chính bác, đến giờ này chính sách vẫn chưa biết thế nào, tâm lý thị trường ảnh hưởng, doanh nghiệp lao đao...

Các thuế phí của Việt Nam hiện nay chồng lấn quá nhiều, vì thiên hướng quản, do không quản được ô tô, tắc đường thì phải làm ô tô đắt lên, chồng thuế, chồng phí lên, hạn chế phát triển.

Một bên là họ thúc đẩy sản xuất, một bên là hạn chế tiêu dùng, “hai ông” bất đồng trong một chính sách, thử hỏi doanh nghiệp sao họ yên tâm phát triển được?

Hạn chế về tư duy, con người đã được nhìn nhận ra và Việt Nam chọn gia nhập các điều ước, các Hiệp định thương mại tự do song và đa phương như một phần tạo áp lực để cải cách hệ thống quản lý kinh tế trong nước, bắt buộc tham gia sân chơi quốc tế, ông kỳ vọng gì về các hiệp định FTAs sẽ mang lại cho Việt Nam, đặc biệt về Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA)?

- Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam mở cửa, không có gì trở ngại đối với các nhà đầu tư EU, song từ đó đến nay vốn của EU vào Việt Nam rất ít, dù Việt Nam rất khuyến khích, rất mở cửa cho họ, rõ ràng đây có vấn đề gì đó ở Việt Nam.

Theo tôi, cái mà các doanh nghiệp EU ngại nhất có lẽ là pháp lý, thể chế kinh tế. Nếu tiếp tục làn sóng đầu tư nước ngoài theo kiểu không chọn lọc, lấp hết chỗ thì hy vọng gì các nhà đầu tư EU vào Việt Nam?

Tuy nhiên, như tôi đã nói, đừng quá trông chờ vào FDI, không thể kỳ vọng vào FDI để xây dựng Việt Nam thịnh vượng được, chỉ có người dân Việt Nam mới có thể xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng, xác định như thế để xây dựng cho được kim chỉ nam hành động, tháo bỏ quản kiểm, cách quản lý cũ như hiện nay.

Yêu cầu cải cách, giờ phải có tư tưởng đổi mới về cải cách, tư duy phải là không phải cải cách là để cải cách, cải cách phải là để phát triển, cải cách để phát triển tư nhân. Xóa bỏ hết điều kiện kinh doanh.

Cần phải bỏ nhanh, bỏ gấp quản kiểm, cơ chế xin cho, điều kiện kinh doanh... đây là đặc trưng của cơ chế cũ. Chúng ta giữ thì mất hết, chúng ta bỏ thì sẽ có tất cả.

Bên cạnh cải cách quản lý, việc Việt Nam cần làm là cải cách hệ thống tư pháp, Việt Nam cần có hệ thống tư pháp độc lập. Đối với FDI, họ không lo vì nếu có tranh chấp với cơ quan Nhà nước, họ có trọng tài thương mại; còn đối với doanh nghiệp Việt, có tranh chấp với Nhà nước không ai dám nói cả. Chỉ một vụ như Cà phê "Xin Chào" đã biết quản lý ở các địa phương nặng về hình thức như thế nào.

Trân trọng cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)