1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trưởng ngành Thống kê: Chuyên gia kinh tế Việt "sính ngoại", nghe tây nói thì tin "sái cổ"

(Dân trí) - "Ở Việt Nam các nhà kinh tế nghe các số liệu mà Tổng cục Thống kê đưa ra thì còn nghi ngờ nhưng mà các ông "tây" nói thì nghe sái cổ. Chúng tôi tận dụng cái này để mời tổ chức quốc tế vào".

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khi nhắc đến việc tham gia của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF trong kế hoạch thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sắp tới.

Trưởng ngành Thống kê: Chuyên gia kinh tế Việt sính ngoại, nghe tây nói thì tin sái cổ - 1

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tại cuộc họp báo về Đề án "Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát bắt đầu từ năm 2020" vừa diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 20/2, đại diện Tổng cục Thống kê đã trả lời nhiều thắc mắc của báo chí về vấn đề đang gây chú ý dư luận.

Trả lời câu hỏi, áp lực điều tra khu kinh tế chưa được quan sát để tăng GDP và nới trần nợ công, ông Nguyễn Bích Lâm nói: "Chúng tôi khẳng định không chịu tác động của bất kỳ bên nào để có bức tranh chính xác nền kinh tế".

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: "Hoạt động thống kê làm sao cho việc phản ánh được xác thực tình hình KT-XH. Không lo ngại điều tra để làm tăng GDP và nới nợ công. Nợ công là do Chính phủ, còn chúng tôi cung cấp bức tranh thực tế để Chính phủ có quyết sách đúng đắn.

Theo ông Lâm, hiện nợ công/GDP ở Việt Nam chỉ chiếm 61,4% so với các nước khác không là gì cả. Quốc hội cũng đã đưa ra trần nợ công không được vượt quá 65%.

Thời gian qua tỷ lệ nợ công đã giảm xuống. Các nhà kinh tế lo ngại quá xa cho nền kinh tế của chúng ta.

Theo ông Lâm, vai trò tham gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vào điều tra khu vực kinh tế chưa được quan sát chỉ là thẩm định cách thức thực hiện và kết quả.

Ông Lâm nói: "Vừa qua, Thủ tướng trao đổi với trưởng đại diện IMF làm tổ chức quốc tế đánh giá độc lập, chứ không phải nhờ họ giúp TCTK tính toán".

Ông này cho rằng, năm 2018, Tổng cục Thống kê đã đánh giá lại quy mô, chỉ tiêu GDP, đã có báo cáo với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ngày 12/2/2019 báo cáo Thủ tướng và được chỉ đạo đảm bảo tính độc lập, khách quan, Bộ KH&ĐT đồng ý mời 1 tổ chức độc lập quốc tế, chúng tôi đề xuất là IMF vào đánh giá.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói: "Ở Việt Nam các nhà kinh tế nghe các số liệu mà Tổng cục Thống kê đưa ra thì còn nghi ngờ nhưng mà các ông "tây" nói thì nghe sái cổ".

Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để tìm ra những nhóm hoạt động kinh tế để tính toán, trên cơ sở đó sẽ có đối sách phù hợp.

Ông này ví dụ như hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy, hàng giả, buôn lậu, sẽ xem xét đưa vào, tính toán những gì? Như Hà Lan, Thái Lan đưa mại dâm vào hợp pháp. Hiện nay, ở Việt Nam với thuần phong mỹ tục, chúng ta không thừa nhận nên có thể cho vào hành động bất hợp pháp, nhưng chưa chắc đã đưa vào tính toán GDP.

Với tham nhũng, đây cũng không phải là hoạt động sản xuất, không nằm trong mục tiêu thu thập thông tin để tính toán.

Về kinh phí thực hiện cuộc thống kê kinh tế chưa được quan sát, Tổng cục trưởng TCTK cho biết chưa xác định được kinh phí vì chờ vào đề xuất công việc cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê, nhiều người đặt câu hỏi điều tra khu vực kinh tế phi chính thức của ông xe ôm, hộ sản xuất nhỏ có phải để tận thu thuế không? Về nguyên tắc đã tham gia kinh doanh phải đóng góp với xã hội, đảm bảo trật tự an ninh xã hội.

"Những đơn vị kinh tế phi chính thức như hộ gia đình, sản xuất nhỏ lẻ vẫn được Tổng cục Thống kê điều tra nhiều năm nay chỉ có điều chưa được công bố chi tiết. Chúng tôi sẽ đưa kinh tế phi chính thức tách bạch riêng, trong đó có phần đã quan sát và chưa được quan sát sẽ được làm sáng tỏ", bà Hương nói.

An Linh