1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trung Quốc "tấn công" doanh nghiệp nước ngoài để bảo vệ "gà" nhà?

(Dân trí) - Trong khi dùng những lời lẽ hoa mỹ để mời gọi, “vuốt ve” các nhà đầu tư nước ngoài, Trung Quốc thực tế có vẻ như lại không ngừng “tấn công” họ bằng những cuộc điều tra và áp lực dư luận, hòng bảo vệ nhà sản xuất nội địa.

GSK đã bị chính quyền Trung Quốc phạt nặng vì tội hối lộ quan chức và bác sỹ
GSK đã bị chính quyền Trung Quốc phạt nặng vì tội hối lộ quan chức và bác sỹ

Tại nhà khách quốc gia tại Bắc Kinh cách đây 2 tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất nồng nhiệt chào đón nhóm những nhà đầu tư tầm cỡ thế giới.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 


“Rất nhiều trong các bạn là những doanh nhân danh tiếng và lãnh đạo các doanh nghiệp của thế giới ngày nay, và các bạn đều có những cái nhìn sâu sắc đối với kinh tế toàn cầu”, ông Tập nói với các doanh nhân gồm CEO của Walmart Mike Duke, CEO Indra Nooyi của PepsiCo, chủ tịch của Coca-Cola Muhtar Kent, nhà sáng lập của Carlyle Group David Rubenstein…

Những bình luận này nhằm phát đi tín hiệu rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới luôn cởi mở với các doanh nghiệp.
 
Thế nhưng, nhiều doanh nhân lại ghi nhận những tín hiệu khác, đáng ngại hơn từ khi vị lãnh đạo này đắc cử.

Kể từ khi ông Tập nhậm chức cách đây một năm, các công ty nước ngoài đã liên tục bị bủa vây bởi các cuộc điều tra tham nhũng, cáo buộc làm giá, và chiến dịch tấn công của truyền thông Trung Quốc.

“Nhận định chung của các nhà đầu tư nước ngoài đó là việc làm ăn tại đây ngày càng khó khăn hơn”, Michael Crain, giám đốc quản trị của công ty luật Bingham McCutchen, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp quốc tế làm ăn tại Trung Quốc cho biết. “Trong hầu hết các cuộc điều tra của chính phủ cũng như bài viết của báo giới năm nay, trọng tâm rõ ràng là hành vi của các công ty nước ngoài”.

GlaxoSmithKline (GSK), hãng dược phẩm của Anh, mới đây đã công bố doanh số thuốc và vắc xin tại Trung Quốc trong quý 3 sụt giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi công ty bị điều tra vì nghi hối lộ các quan chức và bác sỹ.

Nhiều hãng sữa nước ngòai tại Trung Quốc bị ép giảm giá và phạt nặng
Nhiều hãng sữa nước ngòai tại Trung Quốc bị ép giảm giá và phạt nặng

Nhiều người trong ngành này khẳng định những hành vi của GSK, một vài trong số đó hãng này đã thừa nhận, không phải hiếm gặp, và hầu hết các đối thủ Trung Quốc của họ thậm chí còn hối lộ trắng trợn hơn.

Ngoài ra Bắc Kinh cũng đã tiến hành cuộc điều tra trên diện rộng đối với giá thuốc và sữa bột, và trong tháng 8 còn đưa ra một loạt án phạt nặng chưa từng có đối với tội danh vi phạm quy định về giá, buộc 6 công ty sữa công thức nộp phạt tổng cộng 110 triệu USD.

Cuối tháng trước, tập đoàn Meiji Holdings của Nhật đã trở thành công ty quốc tế đầu tiên rút khỏi thị trường sữa bột cho trẻ em tại Trung Quốc. Hãng này khẳng định không thể cạnh tranh tại một thị trường được kỳ vọng đến năm 2017 sẽ tăng trưởng gấp đôi về giá trị, từ mức 12,4 tỷ USD hiện tại.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Meiji bị buộc phải hạ giá sữa sau cuộc điều tra của chính phủ, còn truyền thông địa phương khẳng định Bắc Kinh sẽ chi 30 tỷ nhân dân tệ (5 tỷ USD) cho các nhà sản xuất sữa bột trong nước, để giúp họ cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.

“Những hành động này nhằm củng cố hệ thống pháp lý, làm trong sạch môi trường đầu tư và bảo vệ quyền của người tiêu dùng, nhưng nó cũng cho thấy Trung Quốc không còn cần các công ty nước ngoài nữa”, Bao Dike, tổng biên tập tờ PKU Business Review nhận định.

“Không chỉ bởi chúng ta không cần các công ty nước ngoài để tạo việc làm và thu thuế, mà còn bởi các công ty nước ngoài đang xâm chiếm thị trường vốn thuộc về các doanh nghiệp tư nhân và quốc doanh Trung Quốc”.

Những lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế chào đón ông Tập trong buổi họp cuối tháng 10 đều là thành viên trong ban cố vấn của trường kinh tế và quản trị, đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Đáng chú ý là CEO Andrew Witty của GSK và CEO Tim Cook của Apple - các thành viên của ban cố vấn trên - đã không có mặt.

Hồi tháng 4 vừa qua, ông Cook đã phải muối mặt xin lỗi công khai và cam kết cải thiện dịch vụ khách hàng do bị truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục công kích. Trước đó, trong tháng 3, hãng xe Đức Volkswagen đã phải thu hồi 380.000 xe tại Trung Quốc sau khi truyền hình quốc gia nước này tuyên bố các xe trên không an toàn.

Những tuần gần đây, nhiều bài viết trên truyền thông nhà nước Trung Quốc lại nhắm tới chính sách bảo hành điện thoại thông minh của Samsung và không ngớt chỉ trích Starbucks bán cà phê giá cao. Trước đó nữa, hàng đồ ăn nhanh KFC bị truyền thông Trung Quốc cáo buộc sử dụng thực phẩm không an toàn, khiến doanh số tại công ty mẹ Yum Brands sụt 10% trong năm nay.

“Chính phủ Trung Quốc hiểu rất rõ giá trị không lồ của thị trường Trung Quốc với các tập đoàn đa quốc gia, và càng quyết liệt hơn trong việc đảm bảo rằng tiền được giữ tại nhà thay vì để người ngoài thu lợi lớn”, Kerry Brown, giáo sư chính trị Trung Quốc tại đại học Sydney nhận định. “Về mặt chính trị, việc nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất dễ dàng và được ủng hộ hơn là nhắm tới các công ty Trung Quốc cùng những người “chống lưng” quyền lực phía sau”.

Trong các cuộc điều tra đối với ngành dược và ngành sữa, Bắc Kinh có vẻ như đã áp dụng một chiến thuật truyền thống được gọi là “giết gà dọa khỉ”. Với việc nhắm tới các công ty nước ngoài, cơ quan chức năng đã phát đi thông điệp tới toàn ngành này rằng, họ muốn làm trong sạch thị trường để đem đến các sản phẩm chất lượng với giá phù hợp tại các ngành mà công chúng lo lắng.

Với việc ép các công ty đa quốc gia hạ giá và cải thiện sản phẩm, họ cũng tạo ra mức chuẩn mới cho các công ty trong nước. Giới chức hy vọng rằng những hành động này sẽ là ví dụ cho công chúng thấy đời sống của họ đang cải thiện ra sao dưới chính quyền mới.

Thanh Tùng
Theo FT
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước