1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu thực phẩm sau nhiều ca nhiễm Covid-19 mới

(Dân trí) - Ngành công nghiệp dịch vụ thực phẩm Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn hơn sau khi các nhà chức trách tăng cường kiểm tra nhập khẩu hàng hóa để đối phó với sự bùng phát virus mới ở Bắc Kinh.

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu thực phẩm sau nhiều ca nhiễm Covid-19 mới - 1

Bắc Kinh đã báo cáo một loạt các trường hợp nhiễm virus corona mới vào ngày 19/6, cú sốc này đã đánh vào ngành dịch vụ thực phẩm và các nhà hàng mới bắt đầu hồi phục trong vài tuần.

Sau nhiều tháng bị phong tỏa, chuỗi nhà hàng Oyoyster có trụ sở tại Thâm Quyến đã có hy vọng cao về doanh số bán hàng cho Ngày lễ của Cha vào Chủ nhật vừa qua. Nhưng thay vào đó, những gì họ nhận được là doanh thu không đạt như kỳ vọng, thậm chí chỉ bằng một ngày cuối tuần bình thường.

Doanh số của chuỗi nhà hàng chuyên về hải sản nhập khẩu này đã bị giảm một nửa trong tuần qua sau khi dịch Covid-19 mới bùng phát tại một chợ bán buôn thực phẩm rộng lớn ở Bắc Kinh.

Các ca bệnh mới đã khiến các nhà chức trách ở đây tiếp tục phong tỏa các khu vực của thành phố một lần nữa và làm dấy lên sự nghi ngờ về sự an toàn của thực phẩm tươi sống từ nước ngoài.

Athena Lin, Giám đốc tiếp thị của Oyoyster cho biết: “Đại dịch tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.

“Các nhà cung cấp đã giảm các lô hàng do nhu cầu giảm, khiến nguồn cung cho cửa hàng bị ảnh hưởng. Và khi người tiêu dùng hoảng loạn, doanh thu chắc chắc sẽ sụt giảm. Chúng tôi phải tạm dừng nhiều hoạt động tiếp thị tiếp theo", bà nói.

Hôm thứ 3 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, nhà xuất khẩu thịt bò Brazil Agra Agroindustrial De Alimentos S.A và nhà máy thịt lợn của Anh đã tự nguyện tạm dừng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đây là hai các tên mới nhất trong danh sách các công ty đang ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc trong bối cảnh sự giám sát nhập khẩu gia tăng.

Tuần trước, Trung Quốc cho biết, họ đã cấm nhập khẩu gia cầm từ Công ty Thực phẩm Tyson Mỹ và đình chỉ nhập khẩu từ Toennies, một lò mổ của Đức, sau khi dịch bệnh Covid-19 được phát hiện trở lại.

Theo Ủy ban Châu Âu, gần một nửa sản lượng xuất khẩu thịt lợn của Liên minh châu Âu trong 9 tháng đầu năm 2019 đã được chuyển đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc cũng hứa sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp trị giá 36,5 tỷ USD của Mỹ như một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ.

Những người trong ngành kinh doanh cho biết, việc kiểm tra hải quan tại hầu hết các container thịt đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ làm chậm đáng kể thời gian thông quan.

Zhang, một người quản lý tại hải quan Thượng Hải, cho biết: “Tác động này lớn hay nhỏ phụ thuộc một phần vào tốc độ khử trùng và xét nghiệm tại các cảng”.

Theo ông Zhang, nhiều khách hàng đã hủy đơn đặt hàng nhập khẩu của mình vì nhiều lo ngại.

Trung Quốc phải nhập khẩu thịt từ nước ngoài để bù đắp cho nguồn cung trong nước. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,77 triệu tấn thịt lợn và 690.000 tấn thịt bò, tăng 170,4% và 52,9% so với một năm trước.

Hải quan Trung Quốc gần đây đã gửi thư tới 42 quốc gia yêu cầu các cơ quan chức năng tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn an toàn thực phẩm do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp ban hành.

Trong khi đó, chính quyền địa phương ở Trung Quốc được yêu cầu giám sát các sản phẩm nông nghiệp tươi nhập khẩu từ các khu vực có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao.

Trong khi FAO và Tổ chức Thú y Thế giới yêu cầu Trung Quốc không hạn chế việc buôn bán thực phẩm quốc tế thì quốc gia này vẫn giữ lập trường thận trọng đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Cơ quan hải quan Trung Quốc đã thử nghiệm 15.638 mẫu thực phẩm nhập khẩu vào ngày 18/6, tất cả đều cho kết quả âm tính với Covid-19.

Tuy nhiên, một loạt các thành phố trên toàn quốc đã đình chỉ bán hàng thịt và hải sản đông lạnh trong hai tuần qua, trong khi người tiêu dùng đã cho thấy có một số do dự trong việc mua thực phẩm nước ngoài.

Một người dân Bắc Kinh cho hay: “Bây giờ, tôi sẽ không mua thực phẩm nước ngoài”.

Lo ngại về sự an toàn của thực phẩm nước ngoài tăng vọt sau khi virus corona trước đó được phát hiện trên thớt được sử dụng cho cá hồi nhập khẩu tại một khu chợ Bắc Kinh – nơi có liên quan đến cụm nhiễm bệnh mới ở Bắc Kinh.

Thùy Dung

Theo SCMP