1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Trịnh Xuân Thanh đóng tiền giảm án; loạt nghi can lâm bệnh ngày xử Phạm Công Danh

(Dân trí) - Sự kiện nóng nhất trong tuần về các đại gia chắc chắn là phiên toà xử vụ án Phạm Công Danh, nhưng kì lạ thay các bị cáo và nhân chứng đều lâm trọng bệnh. Phiên toà xét xử Trịnh Xuân Thanh cũng có bất ngờ khi ông Thanh đã bỏ hàng tỷ đồng ra để khắc phục hậu quả, xin giảm án.

Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm bất ngờ nộp đủ 13 tỉ đồng cáo buộc tham nhũng

Tại phần luận tội của mình, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 14-15 năm tù về tội “Cố ý làm trái...”; Trịnh Xuân Thanh 13-14 năm tù về tội “Cố ý làm trái...”, Chung thân về tội “Tham ô tài sản”, tổng hình phạt là Chung thân.​

Tuy nhiên, vào chiều ngày 11/1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, đã nộp thêm 2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Tổng cộng 2 lần Thanh đã nộp đủ 4 tỉ đồng, đây là số tiền mà cơ quan tố tụng cáo buộc Thanh tội tham ô tài sản.

Trịnh Xuân Thanh - thuyền trưởng PVC ngày nào - bị cáo buộc cùng đồng phạm tham ô số tiền 13 tỉ đồng và đã khắc phục hậu quả.
Trịnh Xuân Thanh - "thuyền trưởng" PVC ngày nào - bị cáo buộc cùng đồng phạm tham ô số tiền 13 tỉ đồng và đã khắc phục hậu quả.

Luật sư Luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, ông Lê Văn Thiệp cho biết: "Ngoài Trịnh Xuân Thanh thì nhóm bị cáo bị buộc tội tham ô tài sản cũng đã tiến hành nộp đủ tổng số tiền 13 tỉ đồng để khắc phục hậu quả."

Theo đó, bị cáo Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó tổng giám đốc PVC thông qua gia đình nộp đủ số tiền 3,6 tỉ đồng; bị cáo Lương Văn Hòa - nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch đã nộp số tiền hơn 2 tỉ đồng; bị cáo Lê Thị Anh Hoa - Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa đã khắc phục vượt quá số tiền chiếm hưởng gần 200 triệu đồng trên tổng số tiền chiếm hưởng là 770 triệu đồng (Hoa đã bán nhà khắc phục được 980 triệu đồng).

Loạt nghi can mắc bệnh nặng ngày xử án Phạm Công Danh

TAND TP.HCM đang xét xử vụ án Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều người liên quan, trong đó có ông Trần Bắc Hà , nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, và bà Hứa Thị Phấn, cựu lãnh đạo Ngân hàng Trustbank, đều vắng mặt.

Ông Trần Bắc Hà mắc bệnh nặng, xin phép vắng mặt tại tòa
Ông Trần Bắc Hà mắc bệnh nặng, xin phép vắng mặt tại tòa

Lý do theo luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của ông Trần Bắc Hà là bởi, ông Hà bị bệnh nặng (ung thư gan), đang điều trị tại một bệnh viện ở Singapore nên không thể tới tham dự phiên tòa.

Còn luật sư của bà Hứa Thị Phấn cũng kiến nghị xin cho bà vắng mặt do bệnh. Lý do theo giám định y khoa là, sức khỏe bà Phấn hiện chỉ còn 7%.

Ngay cả hai bị cáo Trầm Bê và Phạm Công Danh cũng đang gặp vấn đề về sức khỏe. Cụ thể, nhiều người đã chứng kiến một Phạm Công Danh ốm yếu, trong chiếc áo sơ mi tối màu, được dẫn tới tòa với những bước đi chậm chạp nặng nề.

Đó là bởi bị cáo Danh mắc bệnh tim, cao huyết áp đã lâu. Chưa kể, ông còn bị suy thận độ 3 nên không thể ngồi lâu. Các bệnh này đang chuyển biến xấu hơn.

Thế nên, ngay tại phiên tòa, bị cáo Danh liên tục than sức khỏe yếu, trí nhớ kém. Khi ra tòa, bị cáo còn mang theo cả túi thuốc. Trong 2 ngày đầu xét xử, ông Danh đã 3 lần được đưa ra ngoài để bác sĩ chăm sóc.

Còn ông Trầm Bê (sinh năm 1959) cũng gầy rộc so với thời điểm trước khi bị bắt giam. Luật sư của ông Trầm Bê cho hay sức khỏe ông Bê có phần yếu hơn. Ông Bê có tiền sử bệnh tiểu đường, dễ chóng mặt khi đứng lâu. Để đảm bảo sức khỏe cho thân chủ, luật sư của ông đã gửi bệnh án đề nghị TAND TP.HCM để ông được ngồi trong quá trình xét xử.

Không chỉ ở vụ án này, các bị cáo và nhân chứng hay người liên quan “có vấn đề” về sức khỏe, nặng thì bị bạo bệnh như ung thư, nhẹ hơn thì cũng đủ loại bệnh như tiểu đường, huyết áp, suy thận,... Thậm chí, có bị can còn đột tử ngay trước khi phiên tòa diễn ra.

Nữ tỷ phú Phương Thảo muốn đi bán xăng

Tập đoàn Sovico của vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong 2 tổ chức trong nước có mặt trong danh sách những tổ chức khủng sẽ tham gia đấu giá cổ phần Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).

Hai tổ chức trong nước đủ điều kiện tham gia IPO, trong đó có CTCP Sovico (vốn 3 ngàn tỷ) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Sovico cũng là một trong những cổ đông sáng lập của Vietjet Air và bà Thảo đang nắm giữ cổ phần quá bán.

Trịnh Xuân Thanh đóng tiền giảm án; loạt nghi can lâm bệnh ngày xử Phạm Công Danh - 3

Theo kế hoạch, PV Oil sẽ bán đấu giá công khai là gần 207 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ tại HOSE với mức giá khởi điểm là 13.400 đồng/cổ phần. Sau đó, doanh nghiệp này sẽ bán hơn 462 triệu cổ phần, chiếm 44,72% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược. Cổ đông nhà nước PetroVietnam sẽ chỉ còn nắm giữ 35,1% vốn điều lệ sau cổ phần hoá.

Theo thông báo trả cổ tức từ VietJet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sắp nhận 120 tỷ đồng cổ tức từ hãng hàng không này với vị thế cổ đông lớn nắm giữ gần 40% cổ phần. Số tiền này khá nhỏ bé trong cuộc chơi lớn mới của bà Thảo.

Mường Thanh nộp hơn 1.000 tỷ đồng hậu thanh tra

Riêng về kinh tế, cho đến sát ngày 27 Tết năm ngoái, thực hiện các kết luận thanh tra, Tập đoàn Mường Thanh đã nộp hơn 1.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền phạt vi phạm (kể cả tiền sử dụng đất đối với các diện tích xây vượt tầng).

Ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh khẳng định: Tôi chỉ làm kinh doanh thuần túy, không cố ý vi phạm, quá trình sản xuất kinh doanh chưa được “ưu ái” gì.

Tập đoàn Mường Thanh có thời kỳ mỗi tháng tiếp khoảng 40 đoàn thanh tra, kiểm tra. Mỗi đoàn có những yêu cầu khác nhau và đều căn cứ trên cơ sơ luật pháp quy định.

Và khi được hỏi nếu cơ quan chức năng quyết khởi tố, ông Thản nói với nhà báo: “Chúng tôi đã chấp hành, thực hiện đầy đủ. Quyết định thế nào là quyền của các cơ quan chức năng. Tôi chỉ biết lấy số phận an ủi thôi. Tôi là người sống thật, không thể giả dối được. Tính cách người Nghệ thế. Nhưng có lẽ điều này cũng gây nhiều phiền toái, thiệt thòi cho tôi”.

“Ông chủ” Mai Linh bất ngờ… chạy xe ôm

Cách đây vài ngày, một người dùng Facebook tại TPHCM bất ngờ chia sẻ gặp ông Hồ Huy – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh khi sử dụng dịch vụ Mai Linh Bike của doanh nghiệp này. Điều đáng nói là ông Hồ Huy lại xuất hiện với vai trò…tài xế xe ôm!

Ông Hồ Huy trong đồng phục nhân viên công ty, đi xe máy hạng sang, khi chở khách đã cho biết, mỗi lúc có thời gian rảnh ông lại trong vai tài xế “để xem, lắng nghe và cảm nhận những vất vả khó nhọc của anh em, của nghề”. Bởi theo ông Huy thì người lãnh đạo muốn làm tốt thì phải gần và hiểu nhân viên.

Sau khi câu chuyện này được đăng tải, dòng trạng thái Facebook của người này đã thu hút gần 2.000 lượt quan tâm (like) và hàng trăm lượt chia sẻ (share).

Tổng Giám đốc ABBANK Cù Anh Tuấn bất ngờ từ nhiệm

Thông tin từ ABBANK cho biết: Hội đồng quản trị ABBANK đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Cù Anh Tuấn từ ngày 12/1/2018 vì lý do cá nhân. Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó Tổng Giám đốc được ABBANK giao nhiệm vụ và quyền hạn của tổng giám đốc từ ngày 12/1.

Ông Nguyễn Mạnh Quân sinh năm 1973, là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh thuộc Học viện Công nghệ Châu Á (Asian Institute of Technology-AIT); Cử nhân ngoại ngữ tiếng Anh (Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội); Cử nhân kế toán tài chính (Đại học Thương mại Hà Nội).

Ông Nguyễn Mạnh Quân có hơn 22 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng, từng nắm giữ các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng VID Public Bank, CitiBank, HSBC, Seabank, HDBank, MDBank và đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc ABBANK từ tháng 06/2015.

Thế Hưng

Trịnh Xuân Thanh đóng tiền giảm án; loạt nghi can lâm bệnh ngày xử Phạm Công Danh - 4